Hoạt động của Thừa phát lại sẽ được mở rộng đến đâu?

(PLO) - Theo quy định hiện hành thì Thừa phát lại (TPL) được làm 4 công việc, bao gồm thực hiện việc tống đạt văn bản; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL mà Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ mở rộng phạm vi, thẩm quyền trong 3 hoạt động đầu tiên và thậm chí có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng thêm công việc khác cho TPL.
Thừa phát lại sẽ được tạo điều kiện hoạt động trong thời gian tới.
Thừa phát lại sẽ được tạo điều kiện hoạt động trong thời gian tới.

Được tống đạt văn bản theo yêu cầu của nhiều nhóm đối tượng

Hiện nay, TPL được phép tống đạt văn bản của cơ quan Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự (THADS). Còn Dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng phạm vi tống đạt của TPL theo hướng TPL được tống đạt văn bản của đương sự trong các vụ việc dân sự, hành chính để phục vụ việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự; thực hiện tống đạt văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp (Công ước La Hay 1965) và tống đạt văn bản của các cơ quan, tổ chức khác (cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp).

Về thẩm quyền, phạm vi xác minh, để triển khai chế định TPL trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện cho các văn phòng TPL nâng cao kết quả hoạt động xác minh điều kiện thi hành án trong bối cảnh khó khăn về nhận thức và cơ chế hiện nay cũng như tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận dân sự giữa TPL và người yêu cầu xác minh, Dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng thẩm quyền, phạm vi xác minh của TPL như sau: TPL có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan THADS trên phạm vi toàn quốc.

Dự thảo Nghị định dự kiến bổ sung quy định về ủy thác xác minh điều kiện thi hành án giữa các văn phòng TPL. Ngoài ra, còn bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; cán bộ, công chức cấp xã khác; bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng… trong việc hỗ trợ TPL thực hiện xác minh điều kiện thi hành án, phục vụ tối đa nhu cầu, lợi ích của người dân trong hoạt động này.

Cho phép TPL được đòi nợ?

Dự thảo Nghị định cũng dự kiến mở rộng phạm vi lập vi bằng ra ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt văn phòng TPL so với quy định hiện hành. Lý giải cho đề xuất trên, đại diện Tổ biên tập Dự thảo cho biết, tới đây, Bộ Tư pháp sẽ giúp Chính phủ tổ chức đào tạo nghề TPL một cách bài bản; các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề được nâng cao nên năng lực, trình độ của TPL sẽ ngày càng đáp ứng được yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ. Việc mở rộng địa bàn lập vi bằng của TPL sẽ đáp ứng nhu cầu lập vi bằng của cá nhân, tổ chức cả ở các tỉnh, thành phố chưa triển khai chế định TPL.

Đáng chú ý, vừa qua, có quan điểm cho rằng, trong lúc Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang được sửa đổi, bổ sung thì liệu có thể thu hút những quy định về hoạt động này vào Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL được không. Thực tế từ khi thí điểm chế định TPL cho thấy, đã từng có khách hàng đến trình bày với TPL, yêu cầu “đòi nợ” giúp mình.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, TPL không phải tổ chức đòi nợ thuê mà chỉ thực hiện yêu cầu của khách hàng trên cơ sở bản án, quyết định của Tòa mà khách hàng được tuyên thắng kiện. Hơn nữa, nếu cho phép TPL được kinh doanh dịch vụ đòi nợ là mở rộng phạm vi hoạt động so với Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chế định TPL.

Đọc thêm