Hội nghị triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017

(PLO) - Ngày 5/10 tại TP HCM đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 với sự tham gia của các đại biểu là đại diện Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý khu vực phía Nam và người làm công tác này như luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý.   
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2018) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó chạm đến trái tim của nhiều người bởi mục tiêu là lấy người TGPL làm trung tâm nhằm giúp đối tượng cần trợ giúp tiếp cận được dịch vụ này một cách tốt nhất. Luật TGPL thể hiện trách nhiệm của Nhà nước thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc, chăm sóc và bảo vệ trẻ em…

Đồng thời Luật này cũng thể hiện tính nhân văn của Nhà nước, trợ giúp những người yếu thế trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao dịch vụ pháp lý, chi phí cũng như không có điều kiện tiếp cận những dịch vụ pháp lý thông thường. 

Triển khai Luật TGPL 2017, Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh cho biết, Luật TGPL 2017 có một bước phát triển tột bậc về mọi mặt: Luật đã khẳng định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong công tác TGPL và có sự phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội; mở rộng diện người được TGPL từ 6 lên 14 đối tượng theo các tiêu chí, nguyên tắc cụ thể, phù hợp với bản chất của TGPL và điều kiện đặc thù của đất nước.  

Trong đó, nhóm người được bổ sung trợ giúp mới là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (hiện nay người này đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự). Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo cũng được trợ giúp pháp lý…

Luật cũng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn tham gia thực hiện TGPL đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và quản lý chất lượng vụ việc TGPL; tập trung thực hiện vụ việc theo đúng bản chất của hoạt động TGPL; bổ sung các quy định về trình tự thực hiện TGPL, tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL, nhất là việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong hoạt động tố tụng; nâng cao vai trò của Sở Tư pháp thông qua việc ký hợp đồng với các tổ chức tham gia thực hiện TGPL; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động TGPL, đặc biệt quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng; sắp xếp tinh gọn các chi nhánh của Trung tâm TGPL của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quy định chặt chẽ điều kiện thành lập Chi nhánh.

Hội nghị đã nhận được rất nhiều tham luận cũng như ý kiến đóng góp trực tiếp về quá trình triển khai thực hiện Luật TGPL. Các ý kiến của đại diện Trung tâm TGPL tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Kiên Giang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về nhóm đối tượng khó khăn về tài chính được TGPL để các cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối tượng này. Đồng thời cũng nên áp dụng linh hoạt chứ không nên cứng nhắc về nhóm đối tượng này.

Theo Luật sư Trương Thị Hòa, trong quá trình thực hiện Luật TGPL, Nghị định, Thông tư hướng dẫn rất quan trọng, do đó bà Hòa đề nghị Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ các văn bản này, đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân tiếp cận được với dịch vụ này qua đó nói lên sự quan tâm của Nhà nước đối với các đối tượng cần TGPL nhằm bảo đảm tốt nhất cho họ để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao tham luận và ý kiến của các đại biểu đã chia sẻ những vấn đề trăn trở trong việc TGPL. Với những bước đi phù hợp, Luật TGPL lần này hướng tới chất lượng, đối tượng trợ giúp pháp lý tăng lên, lấy người TGPL làm trung tâm, Thứ trưởng tin rằng, công tác thực hiện TGPL sẽ đạt hiệu quả cao. 

Có thể nói tới đây, việc thực hiện Luật TGPL với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Nếu làm tốt, sẽ khẳng định được vị trí của mình. Thế nên vai trò của Sở Tư pháp trong việc tham mưu cho Ủy ban là rất lớn. Đề nghị các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác TGPL của địa phương mình. Trong đó, Giám đốc Trung tâm là người thực hiện cần sát sao, tổ chức chuyên nghiệp và hiệu quả. Về phía Bộ Tư pháp cũng sẽ sớm trình Chính phủ Nghị định và Thông tư đồng thời quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác này. Được biết, hiện một số địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng, thậm chí có một số nơi đã có tham mưu cho Sở. Hy vọng các anh em làm công tác này nắm được hồn của Luật, xem việc TGPL như một nghề và chuyên nghiệp. Làm sao để người dân được hưởng các dịch vụ pháp lý tốt nhất. 

Cuối cùng, TGPL là công việc từ tâm, trách nhiệm, hy sinh…Thứ trưởng hy vọng những người làm công tác TGPL sẽ tiếp tục tinh thần này để việc thực hiện Luật TGPL đạt hiệu quả cao. 

Đọc thêm