Hội thảo trực tuyến công bố Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới

(PLVN) -Ngày 31/8, trong khuôn khổ Chương trình tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), được tài trợ bởi Liên minh châu Âu, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới. 
Hội thảo trực tuyến công bố Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới

Tham dự và chủ trì Hội thảo có Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc, ông Nils Christensen - đại diện UNDP tại Việt Nam cùng sự tham gia trực tiếp của gần 30 đại biểu tại đầu cầu Hà Nội và sự tham gia trực tuyến của 25 đại biểu từ các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đắk Nông, Cần Thơ, Đà Nẵng và Sóc Trăng. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc nhấn mạnh hòa giải ở cơ sở là cơ chế giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật dân sự phát sinh trong đời sống thường ngày tại cộng đồng. Đặc biệt, hòa giải viên ở cơ sở đóng vai trò trung tâm bảo đảm hiệu quả hòa giải cũng như kết quả hòa giải. Tuy nhiên còn nhiều hòa giải viên ở cơ sở thực hiện hòa giải chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của bản thân, hiểu biết của hòa giải viên ở cơ sở về giứi, bình đẳng giới còn chưa đầy đủ.

 

Do đó, việc đưa vào sử dụng Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên là rất cần thiết. Hoạt động này không chỉ nâng cao chất lượng của hòa giải ở cơ sở mà còn góp phần đưa thực hiện bình đẳng giới đi vào thực chất, đến tận cơ sở, từ đó góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giới và bình đẳng giới. 

Tại Hội thảo, TS. Phan Thị Lan Hương – Trưởng nhóm chuyên gia biên soạn Tài liệu đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới. Bày tỏ sự đồng tình với dự thảo Kế hoạch triển khai sử dụng Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới, ông Lê Viết Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh nêu ý kiến cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới. Ông Hồng cũng cho rằng cách tiếp cận của Tài liệu là rất mới, do đó phải làm tốt công tác truyền thông, nâng cao hiểu biết về bộ Tài liệu này dưới các góc độ khác nhau để đảm bảo sự hiệu quả trong việc sử dụng bộ tài liệu. 

Ông Bùi Ngọc Khanh, hòa giải viên cơ sở ở Quận Đống Đa, TP Hà Nội khẳng định những người làm công tác hòa giải phải có tâm huyết, nhiệt tình và có kỹ năng tốt. Các cơ sở địa phương phải phát hiện, bồi dưỡng, tập huấn và quan tâm đến những người là hòa giải viên giỏi, có năng lực để từ đó chú trọng, nâng cao kỹ năng của hòa giải viên. Qua các buổi tập huấn, bồi dưỡng, hòa giải viên sẽ nhận diện được một số vấn đề giới tồn tại trong công tác hòa giải ở cơ sở để đưa ra những giải pháp phù hợp, đảm bảo bình đẳng giới trong quá trình hòa giải. 

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi kế hoạch triển khai áp dụng tài liệu tập huấn nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng trong thực tiễn và đem lại tác động tích cực lâu dài, bền vững cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Đọc thêm