Hướng dẫn “hoạt động pháp luật chỉ cần đăng ký doanh nghiệp” là không hợp pháp

(PLVN) - Đây là khẳng định tại Kết luận kiểm tra số 90/KL-KTrVB do Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba vừa ký sau khi tiến hành kiểm tra Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trước đó, ngày 07/3/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh để hướng dẫn về đăng ký kinh doanh ngành, nghề “Hoạt động pháp luật”.

Một trong những nội dung của Công văn đã hướng dẫn “Trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp” (điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD).

Nội dung này đã nhận rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, đặc biệt là lo ngại có tình trạng “không cần học luật, không cần phải học luật sư, không cần tập sự, không cần điều kiện hành nghề là có thể thành lập doanh nghiệp tư vấn pháp luật".

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) - Bộ Tư pháp đã kiểm tra Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD. Căn cứ Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL kết luận nội dung hướng dẫn trên không bảo đảm tính hợp pháp.

Cụ thể, hướng dẫn tại điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD là quy định có tính chất QPPL, theo đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký kinh doanh ngành, nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” phải tuân thủ quy định này, ít nhất là trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Việc ban hành quy định có tính chất QPPL bằng Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015.

Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã kết luận điểm b mục 2 của Công văn 1736 là không hợp pháp
Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã kết luận điểm b mục 2 của Công văn 1736 là không hợp pháp
Ngoài ra, nội dung hướng dẫn “Trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp” tại điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD không phù hợp với quy định của Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị quyết số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư, Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016) và Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Theo đó, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật thuộc phạm vi hành nghề luật sư (Điều 4, Điều 22); cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (Điều 92). 

Theo Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016) thì “Hành nghề luật sư” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Mục 13 Phụ lục 4 Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện). 

Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó (Điều 3).

Còn điểm đ Mục 3 Nghị quyết số 65/2006/QH11 quy định: “Trong thời hạn sáu tháng, cá nhân, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 mà tiếp tục kinh doanh dịch vụ pháp lý thì phải có đủ các điều kiện hành nghề luật sư và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của Luật này; nếu không chuyển đổi thì phải chấm dứt hoạt động”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ các quy định đã dẫn nêu trên cho thấy, “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” khi được cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký là ngành nghề kinh doanh thì thuộc phạm vi hành nghề luật sư và là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cá nhân, tổ chức đầu tư kinh doanh ngành nghề đại diện, tư vấn pháp luật phải đáp ứng điều kiện hành nghề luật sư; trường hợp Luật Luật sư có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật Luật sư.

Vì vậy, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn “cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp” tại điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD là không hợp pháp.

Bên cạnh đó, theo Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (khoản 3 Điều 3; điểm a khoản 2 Điều 16), việc giải thích luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi thế, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định có nội dung giải thích (liên quan đến quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Luật sư) tại điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD là không phù hợp về thẩm quyền.

Để đảm bảo tính hợp pháp trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản QPPL kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nội dung không hợp pháp tại điểm b mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD; rà soát quá trình thực hiện Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật nêu trên gây ra (nếu có). Đồng thời, thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận này theo quy định của Chính phủ.

Đọc thêm