Hướng đến tuổi 30 rạng rỡ…

(PLO) - Cách đây vừa đúng 29 năm - ngày 10/7/1985 – làng Báo chí Cách mạng Việt Nam đón nhận một thành viên mới: tờ Pháp luật thường thức - tiền thân của Báo Pháp luật Việt Nam hôm nay.
Tổng Biên tập Báo tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Tổng Biên tập Báo tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Với một đời người, 29 tuổi là lúc bước vào chín chắn, chững chạc, là lúc khẳng định sự lập thân, lập nghiệp. Còn trong làng Báo chí Cách mạng Việt Nam có tuổi đời 90 năm, một tờ báo tròn tuổi 29 bước sang tuổi 30 như Pháp luật Việt Nam lại mang vóc dáng một thanh niên cường tráng, hừng hực sức xuân, tràn trề sáng tạo và nhiệt tình cống hiến.
Thực vậy, trong tiến trình hướng đến một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, pháp luật đóng vai trò quyết định, vừa điều chỉnh mọi quan hệ cơ bản trong xã hội vừa dẫn dắt xã hội hướng đến đích cao nhất là thượng tôn pháp luật. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã và đang dồn sức sửa đổi, hoàn thiện cơ chế và hệ thống pháp luật, đảm bảo cho mọi thành phần trong xã hội có chỗ dựa tin cậy nhất trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển cũng như bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích cơ bản của mình; tạo hành lang pháp lý cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn trong đời sống chính trị, kinh tế, pháp lý quốc tế.
Giới thiệu tờ báo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Giới thiệu tờ báo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 
Bối cảnh ấy đặt ra yêu cầu cao - và càng ngày càng cao hơn - cho công tác truyền thông pháp lý, phổ biến và giáo dục pháp luật. Người dân đã không còn muốn đọc các điều luật khô khan, cứng nhắc; độc giả cũng không muốn được “dạy luật” một cách kinh viện, giáo điều; một khối lượng đồ sộ từ Hiến pháp cho đến các đạo luật càng không “chờ có thời gian” để đi vào cuộc sống v.v… 
Thực tế đó chính là áp lực, là đòi hỏi chính đáng đối với những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam hôm nay một khi muốn kế thừa và phát huy xứng đáng những thành quả đã có của gần 30 năm qua. Với một hệ thống tương đối hoàn chỉnh các ấn phẩm, từ báo hàng ngày, báo chuyên đề đến báo điện tử, mỗi ngày,  Báo Pháp luật Việt Nam chuyển đến độc giả đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ và điều kiện, tiếp cận một khối lượng khổng lồ kiến thức pháp luật - một điều mà hiện chưa nhiều tờ báo chính thống có thể làm được. 
Sự đa dạng hóa các ấn phẩm như  Xa lộ pháp luật, Pháp luật và Thời đại, Câu chuyện pháp luật, Doanh nhân và Pháp luật, Pháp luật Việt Nam Chuyên đề hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, Pháp luật Việt Nam Chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi, Pháp luật Việt Nam online… cũng chính là nhằm đa dạng hóa các hình thức truyền tải pháp luật đến người dân. 
Thông qua các câu chuyện, các vụ án, các tình huống pháp lý thực tế đăng tải trên các ấn phẩm ấy, người đọc không chỉ có hiểu biết sâu rộng hơn về cuộc sống xung quanh, về những gì đang diễn ra trong nước cũng như trên thế giới mà hơn thế, còn có thể chiêm nghiệm, suy nghĩ, tự “thấm” vào mình những kinh nghiệm, những hiểu biết pháp lý, những bài học pháp luật bổ ích vốn rất khó thu nạp nếu chỉ đơn giản là đọc các điều luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chúc mừng Báo PLVN
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chúc mừng Báo PLVN
Giống như mọi tờ báo khác trong nhịp sống hiện đại hôm nay, Pháp luật Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn mà trong đó, khó khăn nhất là vượt lên chính mình, tự khai mở thêm những con đường đi mới, tự tái tạo và tiếp thêm năng lượng mới để gánh vác sứ mệnh đang ngày càng trở nên to lớn hơn. Rất mừng là ở độ tuổi bắt đầu “chín”, Báo Pháp luật Việt Nam càng nhận được nhiều hơn sự tin cậy, kỳ vọng, gửi gắm và trông đợi của bạn đọc; được đón nhận thường xuyên hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của các ban ngành, cơ quan chức năng, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp cùng đông đảo độc giả cả nước. Như thế, dù nhiều khó khăn, thách thức đến mấy, Pháp luật Việt Nam vẫn không đơn độc mà luôn luôn có thêm nhiều hơn sức mạnh và nguồn nội lực vượt lên chông gai, thử thách để gặt hái nhiều hơn nữa những thành công mới.
Tròn tuổi 29, sang tuổi 30 – tuổi “tam thập nhi lập”- tập thể Báo Pháp luật Việt Nam một lần nữa chung sức thổi bùng ngọn lửa nhiệt tình và trách nhiệm, tiếp tục dấn thân và cống hiến vì sự nghiệp cải  cách tư pháp, hoàn thiện thể chế pháp luật, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền; để vai trò, tiếng nói, vị thế ngành Tư pháp được khẳng định mạnh mẽ, ấn tượng hơn, tinh thần thượng tôn pháp luật được nâng cao hơn, sức mạnh đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được gia cố vững chắc hơn và để một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thịnh vượng, phát triển sớm trở thành hiện thực trong một tương lai gần…
Lễ kết nạp Đảng viên của Báo Pháp luật Việt Nam tại Cao Bằng
Lễ kết nạp Đảng viên của Báo Pháp luật Việt Nam tại Cao Bằng 
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tác nghiệp tại Trường Sa
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tác nghiệp tại Trường Sa 

Đọc thêm