Khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

(PLO) - Mặc dù số lượng nợ đọng đã giảm theo từng năm, tuy nhiên, “tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được giải quyết cơ bản và vững chắc”- Đây là nhận định của Chính phủ  tại báo cáo tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013.
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Giảm nợ đọng, nâng cao chất lượng văn bản
Trong số 46 luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành và 09 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực thi hành. Tính đến ngày 15/10/2013, đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 98/200 văn bản (49%) quy định chi tiết hướng dẫn 148/280 nội dung được giao. Số văn bản chưa được ban hành là 102/200 văn bản (51%) quy định chi tiết 132/280 nội dung được giao.
Đối với 9 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, mới chỉ có có 1/42 văn bản đã ban hành để quy định chi tiết 03/83 nội dung được giao.
Như vậy, có thể thấy trong hai năm đầu của nhiệm kỳ, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được ban hành nhanh hơn, số lượng văn bản nợ đọng đã giảm theo từng năm. Nếu so với các năm trước đây, thì số lượng văn bản nợ đọng đã có hướng giảm, cụ thể là giai đoạn 2001 - 2010, trung bình mỗi năm là 78 văn bản; từ giai đoạn 2011 đến nay, trung bình mỗi năm là 50 văn bản. 
Qua thống kê kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực cho thấy, nhiều luật, pháp lệnh đã được ban hành tương đối đầy đủ. Chất lượng của văn bản quy định chi tiết thi hành so với những năm trước đây đã từng bước được nâng cao, giảm thiểu tối đa tình trạng quy định chung chung, mang tính nguyên tắc, khó thực hiện… 
Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng nợ đọng văn bản đã tăng đột biến, trong đó, có luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết nào được ban hành, một số luật, pháp lệnh khác còn có số lượng lớn văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành.
Thảo luận về vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa XIII mới đây, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. 
Trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ bản đã thể hiện đúng theo quy trình thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chất lượng các văn bản ban hành được nâng lên rõ rệt, những kết quả này đã góp phần tích cực vào việc đưa các quy định của luật, pháp lệnh đi vào cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 
Công khai tình trạng nợ đọng
Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng văn bản cũng luôn là mối quan tâm số 1 của ĐBQH. Vì “nợ” mà nhiều quy định “không thể thực hiện được do không có văn bản hướng dẫn gây ra những bất bình cho dư luận” như ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nhận định.
Vì thế, theo ĐB này “các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ trình dự án luật theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường công tác giám sát, đôn đốc việc ban hành văn bản hướng dẫn, công khai hóa những cơ quan chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn”.
ĐBQH Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng đề nghị Chính phủ “cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực, có kiểm tra, xử lý trách nhiệm, báo cáo rõ qua việc quản lý nhà nước thời gian vừa qua không có văn bản hướng dẫn”. Đồng thời, ĐB Hà cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ kiểm soát việc ban hành văn bản của các cơ quan thuộc quyền để khắc phục tình trạng ban hành văn bản chậm. 
ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cùng nhiều ĐB khác mong muốn làm sao “từng bước khắc phục tình trạng luật ống, luật khung, hạn chế việc ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, TANDTC, VKSNDTC phải ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Nếu có giao thì trong tờ trình của cơ quan trình phải nêu ra lý do tại sao”.
Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản đã được Chính phủ quyết tâm thực hiện. Trong đó, hàng tháng Chính phủ công khai tình hình soạn thảo, trình và nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Kết quả thực hiện công tác này phải được coi là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành và người đứng đầu Bộ, ngành. 
Trong tháng 11/2013, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tập trung, nỗ lực rất lớn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có sự chuyển biến rõ rệt, số lượng văn bản nợ đọng đã giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay. 
Ông Nguyễn Phước Thọ, Hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ: Cần có những quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn

Khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1 
Mặc dù số lượng văn bản quy định chi tiết nợ đọng có xu hướng giảm nhiều so với thời gian trước nhưng chưa đồng đều, chưa thật bền vững. Bên cạnh nhiều lĩnh vực số lượng VB nợ đọng giảm, vẫn còn lĩnh vực còn tăng lên do thực tiễn phát sinh sau khi luật, pháp lệnh có hiệu lực.

Chính vì vậy, để ban hành kịp thời, bảo đảm chất lượng VB quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng văn bản, cần tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL cho phù hợp hơn đối với việc thực hiện ủy quyền lập pháp, lập quy và soạn thảo, ban hành VB quy định chi tiết, trong đó nên có những quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn trong việc xây dựng ban hành VB quy định chi tiết.

Đọc thêm