Khẩn trương kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ hộ tịch

(PLO) - Ngày 9/1, phát biểu tại cuộc họp liên ngành về Dự thảo Kế hoạch triển khai Luật Hộ tịch, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hộ tịch ở cấp cơ sở. Khi Luật Hộ tịch có hiệu lực (1/1/2016) thì việc tuyển dụng mới bắt buộc phải tuân thủ các quy định của Luật.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thay đổi thẩm quyền: Phải tiến hành rà soát
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực Bộ Tư pháp cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch triển khai Luật Hộ tịch là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Hộ tịch, bao gồm cả các Nghị định và Thông tư hướng dẫn. 
Tốt nhất là vào thời điểm Luật có hiệu lực thì các văn bản này cũng đã được ban hành đầy đủ để thuận lợi trong việc áp dụng thống nhất. Cũng theo ông Khanh, cùng với việc này là tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến Luật Hộ tịch, qua đó đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
Đáng chú ý, theo Cục trưởng Nguyễn Công Khanh, công tác rà soát để kiện toàn đội ngũ cán bộ hộ tịch cấp cơ sở trong bối cảnh Luật Hộ tịch mới đã có sự thay đổi về thẩm quyền đăng ký hộ tịch (phân cấp nhiều hơn cho cơ sở, trong đó Luật mới giao việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho UBND cấp huyện thực hiện thay vì cấp tỉnh như hiện nay – PV). 
Qua công tác rà soát sẽ có đánh giá đối với đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt tại hơn 11 ngàn phường, xã, thị trấn trên cả nước để có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng. Bởi, theo quy định của Luật Hộ tịch, đến hết năm 2019, tư pháp xã bắt buộc phải có trình độ trung cấp luật, tư pháp huyện phải là đại học luật. “Đây là công việc đồ sộ liên quan đến nhiều ngành, do đó phải triển khai ngay trong năm 2015”, ông Khanh nhấn mạnh.
Báo cáo tổng kết công tác hộ tịch Bộ Tư pháp cho biết, hiện tại trong cả nước có 16.820 cán bộ làm công tác hộ tịch trên tổng số 11.118 đơn vị hành chính cấp xã. Mặc dù, hiện tại Nhà nước ta chưa có văn bản nào quy định chức danh hộ tịch chuyên trách mà chỉ có chức danh công chức tư pháp - hộ tịch, nhưng trên thực tế, do sự quá tải về công tác tư pháp và công tác hộ tịch nên nhiều địa phương đã vận dụng bố trí 2 công chức tư pháp - hộ tịch, trong đó một công chức chuyên làm công tác tư pháp, một công chức chuyên làm công tác hộ tịch (có 8.683 công chức chuyên trách làm công tác hộ tịch, chiếm 57% trên tổng số công chức tư pháp - hộ tịch). 
Hiện nay, mỗi cơ quan đại diện có ít nhất 01 cán bộ làm công tác lãnh sự, trong đó có công tác hộ tịch, cá biệt có những nơi công tác lãnh sự nhiều và đa dạng, đông bà con Việt Nam làm ăn, sinh sống còn bố trí tới 2 hoặc nhiều cán bộ làm công tác lãnh sự.
Tuyển dụng mới: phải đủ tiêu chuẩn
Bà Trần Thu Hường, Vụ Tổ chức cán bộ cho biết thêm: Hiện nay, khoảng 75% công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có trình độ trung cấp luật. Tuy nhiên, bà Hường tỏ ra lo ngại vì sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, đội ngũ cán bộ hộ tịch sẽ có nhiều biến động (thông thường khoảng từ 10-15%). Ở nhiều nơi, khi có sự điều chuyển như vậy thì những cán bộ hộ tịch có trình độ, kinh nghiệm sẽ ở vị trí công tác khác dẫn đến những người mới vào lại mất công đào tạo bồi dưỡng. 
Vì thế, theo bà Hường, việc đào tạo là hết sức cần thiết và cấp bách. “Chúng ta nên đặt ra tỷ lệ phần trăm trong từng giai đoạn để đào tạo giống như việc trước đây đã đặt ra tỷ lệ để phấn đấu mỗi phường xã có từ 2 cán bộ tư pháp - hộ tịch trở lên”, bà Hường nói.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Hành chính Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội thì đề nghị, việc cần ưu tiên hàng đầu khi triển khai Luật Hộ tịch mới chính là việc tập huấn nghiệp vụ. “Ngay như ở Hà Nội, phần lớn cán bộ tư pháp - hộ tịch đã có trình độ đại học hoặc trung cấp luật nhưng việc sử dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch nhiều nơi vẫn còn lúng túng. Do đó, trước mắt phải tăng cường tập huấn, tiếp đến rà soát để đào tạo, bồi dưỡng. Không chỉ ngành Tư pháp mà các Trường Trung cấp Luật và UBND cũng phải có trách nhiệm trong câu chuyện này”.
Tại buổi họp, cũng có những ý kiến tỏ ra băn khoăn khi Luật Hộ tịch có hiệu lực từ 1/1/2016, tuy nhiên, Luật đã cho phép có 4 năm để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hộ tịch. Như vậy, việc tuyển dụng mới có nhất thiết phải đủ các tiêu chuẩn như luật quy định không hay tuyển dụng xong rồi về đào tạo, bồi dưỡng?
Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thì việc tuyển dụng mới bắt buộc phải tuân thủ đúng các quy định của Luật về tiêu chuẩn cán bộ hộ tịch. 
Hiện nay, đã có 5 Trường Trung cấp Luật được mở ở các vùng khó khăn trong cả nước, như vậy không có lý do gì để không thể chuẩn hóa trình độ cán bộ. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng lưu ý sự phối hợp của các cơ quan liên quan với Bộ Tư pháp cũng như vai trò của UBND các cấp trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp - hộ tịch.
“Hộ tịch là vấn đề quan trọng từ góc độ quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp, trong bối cảnh tăng cường hội nhập, việc triển khai tốt Luật Hộ tịch 2014 trong đời sống sẽ là cơ sở góp phần hoạch định tốt chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Việc xây dựng kế hoạch triển khai luật là rất cần thiết, do đó đòi hỏi các cấp, ngành đều phải vào cuộc” - Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh.

Đọc thêm