Khẩn trương triển khai nhiệm vụ nâng hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật

(PLVN) - Ngày 15/3, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về việc hướng dẫn thực hiện chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật. 

Đây là nhiệm vụ được giao cho Bộ Tư pháp tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ theo hướng nâng xếp hạng chỉ số này lên từ 5 – 10 bậc, năm 2019 ít nhất 2 bậc.

Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 96 về chi phí tuân thủ pháp luật

Được biết, các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tuy có cải thiện đáng kể nhưng thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy 59,3% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; lãnh đạo của khoảng 30% doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian cho tìm hiểu và tuân thủ quy định pháp luật; 44% doanh nghiệp cho rằng thủ tục thuê, mua đất phức tạp; 16% doanh nghiệp cho rằng giá đất theo quy định nhà nước cao. Để góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cắt giảm các chi phí bất hợp lý, trong đó có giảm chi phí tuân thủ pháp luật (năm 2018, Việt Nam đã được xếp hạng thứ 96 về chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật)

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho biết: Theo Quyết định số 554/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02 (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021), Bộ trưởng đã giao Cục chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ liên quan tổ chức triển khai nhiệm vụ “Nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là B1) lên từ 5 – 10 bậc, năm 2019 ít nhất 2 bậc”. Để bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ Bộ trưởng giao, Cục đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu hướng dẫn việc nâng xếp hạng chỉ số B1.


Cụ thể, Cục đề xuất nhu cầu hợp tác quốc tế hỗ trợ thực hiện nâng xếp hạng chỉ số B1; liên hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan để tìm kiếm nguồn thông tin; xây dựng kế hoạch thực hiện và dự toán kinh phí triển khai các hoạt động… Cục cũng đã chủ động nghiên cứu tài liệu bước đầu như hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ… để xác định nội dung, phạm vi của chỉ số, giải pháp cơ bản đối với trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Đồng thời, Cục nghiên cứu kinh nghiệm của Bộ Khoa học và công nghệ trong việc thực hiện, theo dõi chỉ số về đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới, khó khăn nên Cục hứa sẽ cố gắng sớm xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ tài liệu hướng dẫn nhưng đề xuất trước mắt không cầu toàn để bảo đảm tiến độ.

Bảo đảm kịp thời hướng dẫn các bộ, ngành triển khai

Chia sẻ thêm thông tin về tình hình triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ trong cuộc họp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì ngày 14/3, Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển cho hay, Bộ Tư pháp là một trong số ít Bộ, ngành đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai. Về các chỉ số được giao trong Nghị quyết 02, không chỉ Bộ Tư pháp mà các bộ cũng lúng túng nhất định. Tuy nhiên, tinh thần là làm từng bước một và các bộ, ngành phải chủ động triển khai nên ông Hiển đề xuất có thể căn cứ vào Nghị quyết 139 có nội dung về chi phí tuân thủ pháp luật để rà soát lại tình hình thực hiện Nghị quyết 139 và hướng dẫn chung cho các bộ, ngành.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết, theo hướng dẫn của OECD, chi phí tuân thủ pháp luật gồm 2 nhóm chi phí: chi phí của doanh nghiệp (chi phí hành chính liên quan đến báo cáo cung cấp thông tin và chi phí tuân thủ về mặt nội dung) và chi phí của cơ quan Nhà nước (quản lý thực thi quy định pháp luật). WBư thì liệt kê 10 nhóm quy định pháp luật ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn theo Nghị quyết 139 có 4 nhóm chi phí là chi phí tuân thủ pháp luật (chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh); chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh; phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên; chi phí không chính thức. Với những văn bản này, ông Tú đồng tình nên bám sát Nghị quyết 139 để hướng dẫn cho các bộ, ngành được kịp thời và bảo đảm tính hợp lý, hướng đến đối tượng doanh nghiệp.

Nhấn mạnh thời điểm đánh giá chỉ số B1 vào tháng 10 tới đây, Bộ trưởng đồng tình với tinh thần không quá cầu toàn và yêu cầu phải khẩn trương có hướng dẫn để các bộ, ngành có cơ sở tổ chức triển khai, đảm bảo ban hành đúng kế hoạch được giao. Do năm 2018 Việt Nam đã được xếp hạng, theo Bộ trưởng, phải “gõ” đúng cửa tổ chức đã chấm điểm, đánh giá để mời họ hướng dẫn. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật nhanh chóng nghiên cứu lựa chọn, đề xuất các tiêu chí của chỉ số B1, báo cáo Lãnh đạo Bộ để mời các bộ, ngành, chuyên gia thảo luận, góp ý.

Đọc thêm