Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc

(PLO) - Điều 59, Luật Hộ tịch xác định: “Cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử được lập để lưu giữ, cập nhật, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch, phục vụ yêu cầu đăng ký hộ tịch (ĐKHT) trực tuyến; được kết nối để cung cấp, trao đổi thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho CSDL quốc gia về dân cư”. 
Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc
Luật Hộ tịch cũng giao Bộ Tư pháp “Xây dựng và quản lý thống nhất CSDL hộ tịch điện tử; hướng dẫn, chỉ đạo địa phương trong việc quản lý, sử dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, CSDL hộ tịch điện tử, cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho CSDL quốc gia về dân cư”. 
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, ở nước ta, việc hiện đại hóa công tác ĐKHT đã được tiến hành ở nhiều địa phương, nhưng theo lộ trình, mức độ khác nhau. Về thiết bị, hiện có 14 tỉnh, thành phố đã trang bị cho 100% công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã máy tính có kết nối internet phục vụ riêng công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; 11 tỉnh đã trang bị cho trên 55% số công chức tư pháp - hộ tịch trên địa bàn máy tính có kết nối internet phục vụ riêng cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và tựu trung lại, trung bình cả nước mới có từ 20% đến dưới 55% số xã được trang bị máy tính để phục vụ riêng cho công tác ĐKHT của công chức tư pháp - hộ tịch. Về ứng dụng phần mềm ĐKHT, đã có 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ứng dụng phần mềm vào ĐKHT; 5 tỉnh, thành phố đang xây dựng và triển khai ứng dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch. 
Bộ Tư pháp cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm ĐKHT là biện pháp số hóa (điện tử hóa) thông tin hộ tịch của cá nhân, trong đó có thông tin khai sinh – là thông tin hộ tịch gốc. Theo Đề án 896, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, đây là thông tin đầu vào của CSDL quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, những thông tin hộ tịch khác về kết hôn, ly hôn, thay đổi cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, khai tử... được cập nhật vào hệ thống dữ liệu, được coi là thông tin “động”, có giá trị làm cho CSDL quốc gia về dân cư luôn sống. 
Vì vậy, việc xây dựng CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc – cơ sở trung tâm để kết nối, tiếp nhận, liên thông với toàn bộ cơ sở hộ tịch điện tử từ các địa phương trên cả nước – nhằm lưu giữ tập trung, kết nối, chia sẻ và cung cấp thông tin cho CSDL quốc gia về dân cư, là yêu cầu cốt lõi, là điều kiện không thể thiếu mà bất cứ phần mềm ĐKHT nào cũng phải đáp ứng được.
Thực hiện nhiệm vụ được Luật Hộ tịch, Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai các hoạt động phục vụ xây dựng Đề án CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, chuẩn bị lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng vào tháng 8/2015.
Luật Hộ tịch đã có các quy định đề cao vai trò hết sức quan trọng của công tác ĐKHT, nhất là đăng ký khai sinh, cấp Giấy khai sinh và Số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh.
Luật quy định xây dựng CSDL hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (cùng với CSDL giấy), kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho CSDL quốc gia về dân cư. Luật cũng có những quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục ĐKHT, tạo thuận lợi tối đa cho người dân (như đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết khi ĐKHT; cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn – nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống ĐKHT trực tuyến khi điều kiện cho phép; giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch). Cùng với đó, Luật cũng quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan ĐKHT cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây…/.

Đọc thêm