Khánh Hòa đề xuất thưởng – phạt trong thực thi, tuân thủ pháp luật

(PLVN) -Tương tự các bộ, ngành, địa phương, Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 trên địa bàn tỉnh trong những tháng vừa qua. Để tiếp tục giảm chi phí tuân thủ pháp luật, tỉnh đưa ra một số kiến nghị, trong đó có việc thưởng – phạt khi tổ chức thực thi và tuân thủ pháp luật.

Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính trên tinh thần quán triệt và tuân thủ triệt để các yêu cầu, tiêu chí đặt ra trong các Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, số 139/NQ-CP). Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tư pháp nâng cao chất lượng thẩm định trong hoạt động ban hành văn bản; chỉ đạo Sở Tài chính rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, từ đó tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh các phương án giảm phí, lệ phí phù hợp với quy định của pháp luật.

UBND tỉnh còn chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thiết lập kênh thông tin đa dạng, thuận lợi, bảo mật thông tin về tổ chức, cá nhân khiếu nại, tố cáo như thiết lập đường dây nóng, hộp thư góp ý… để doanh nghiệp và người dân tự giác, kịp thời khiếu nại, tố cáo về những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cựu của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành pháp luật; công khai kết quả xử lý các vụ việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên các trang thông tin điện tử, trên các phương tiện thông tin, truyền thông phù hợp. Theo đó, đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về các quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh để có các biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị.

Tỉnh đã công khai, cập nhật thường xuyên các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính về điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử, tại trụ sở cơ quan nhà nước, hiệp hội, địa điểm sinh hoạt cộng đồng doanh nghiệp bảo đảm thuận tiện cho việc tìm hiểu, tra cứu, cập nhật thông tin đối với doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xử lý hồ sơ và đạt được nhiều kết quả tích cực… Nổi bật, chỉ tính trong quý III/2019, số hồ sơ tiếp nhận trong kỳ là hơn 382 nghìn hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 96%; triển khai xây dựng và đi vào vận hành Hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử (đã có 1.038 hồ sơ đăng ký mức độ 3, 4 khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến); khảo sát mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân về chất lượng hành chính công tại một số cơ quan đơn vị…

Trong báo cáo gửi Bộ Tư pháp, bên cạnh thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không rõ ràng, cụ thể, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trên tinh thần quán triệt và tuân thủ triệt để các yêu cầu, tiêu chí đặt ra trong các Nghị quyết của Chính phủ. Đối với Bộ Tư pháp, cần tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo không có các quy định mới chứa đựng các yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Ngoài ra, thường xuyên tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh, thành phố tổ chức tốt công tác nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật, thực hiện thành công mục tiêu giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm việc công khai các thủ tục. Đặc biệt, cần xử lý kịp thời các đề xuất, phản ánh của doanh nghiệp, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như xử lý kỷ luật và khen thưởng trong tổ chức thực thi và tuân thủ pháp luật. 

Đọc thêm