Khó khăn cơ chế “tự thi hành” phần tài sản trong án hành chính

(PLVN) - Theo quy định hiện hành, phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sẽ được điều chỉnh và tổ chức thực hiện theo quy trình THADS. Song, thực tiễn thi hành loại việc này chủ yếu là nội dung thi hành chủ động như án phí, còn các việc theo đơn thì chiếm tỷ lệ ít và khó thi hành hơn.

Chưa thực hiện nghiêm việc chuyển giao bản án hành chính

Theo khoản 1 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 quy định: “Quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về THADS”.

Còn khoản 4 Điều 1 Thông tư số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 1/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS thì  đối với phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, cơ quan THADS chỉ thụ lý và ra quyết định thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, giao lại đất đai được tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Tòa án. Những nội dung khác của bản án, quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật TTHC. 

Quy định trên chưa có sự phân định rõ ràng giữa nội dung thi hành phần tài sản với nội dung thi hành các nghĩa vụ về hành chính trong cùng bản án, quyết định của Tòa án. Trong đó, nội dung “bồi thường thiệt hại” còn có quan điểm khác nhau, nhất là phải hiểu như thế nào là đã được “tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Tòa án”.

Tại một số địa phương, Toà án còn thực hiện chưa nghiêm việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THADS theo quy định tại Điều 196, Điều 244 của Luật TTHC và Điều 28 của Luật THADS. Trong khi đây là cơ sở quan trọng, phát sinh trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính và tổ chức thi hành các khoản án phí của các cơ quan THADS. Từ đó, dẫn đến tình trạng không đánh giá được toàn diện hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, thiếu cơ sở để tham mưu, đề xuất trong quá trình quản lý nhà nước cũng như trong việc hoàn thiện pháp luật…

Thiếu cơ chế xử lý trường hợp không thi hành án

Cơ chế “tự thi hành” là một trong những đặc thù của thi hành án hành chính. Trong khi đó, chủ thể phải thi hành  trong các vụ án hành chính lại là các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước. Với đặc thù này, việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt khi người phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND. Bởi theo quy định tại Điều 173, 174, 175 Luật THADS thì UBND cùng cấp có quyền “chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong THADS trên địa bàn” và “có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan THADS”.

Ngoài ra, tình trạng không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nói chung và phần tài sản trong bản án, quyết định của một số cơ quan nhà nước vẫn còn khá phổ biến, nhất là các khoản trả lại tài sản, giao lại đất đai cho người khởi kiện, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài. 

Trong khi đó, chưa có cơ chế hiệu quả để xử lý những trường hợp không thi hành án. Mặc dù Điều 314 Luật TTCH năm 2015 có quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định, quyết định buộc thi hành án của Tòa án; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đây là quy định mang tính răn đe chứ chưa có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, hành vi vi phạm phải xử lý trong lĩnh vực này.

Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế nêu trên, cần  khắc phục triệt để tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành trong TTHC. Tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành và UBND các cấp trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. 

Nâng cao hiệu quả phối hợp với Toà án các cấp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, nhất là trong việc chuyển giao cũng như giải thích bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cho cơ quan THADS để theo dõi. Đồng thời quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính như quyết định phạt tiền hoặc xử lý hành chính nêu tên trên phương tiện truyền thông để đảm bảo tính nghiêm minh trong chấp hành pháp luật về THADS, hành chính. 

Đọc thêm