Khó thi hành nghĩa vụ liên đới

(PLVN) - Mặc dù pháp luật về thi hành án dân sự quy định về thi hành nghĩa vụ liên đới tuy nhiên từ thực tiễn công tác thi hành án cho thấy việc thi hành nghĩa vụ liên đới còn nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC) thì đối với trường hợp thi hành quyền, nghĩa vụ liên đới, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.

Trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới thì cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với người đó. 

Theo Điều 11 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới nhưng không xác định hoặc xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS có quyền yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới.

Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định của pháp luật dân sự.

Trường hợp người được thi hành án có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho một hoặc một số người trong số những người phải thi hành nghĩa vụ liên đới không thi hành phần nghĩa vụ của họ thì phần nghĩa vụ không yêu cầu thi hành án được đình chỉ theo quy định. 

Theo đó, trong trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới thì một hoặc một số người trong số những người phải thi hành án đã thi hành xong phần nghĩa vụ của mình mà có điều kiện thi hành (có tài sản) thì Chấp hành viên vẫn có quyền yêu cầu họ phải thi hành phần nghĩa vụ thay cho người khác (người không có điều kiện thi hành án).

Đây là nội dung rất khó thực thi trên thực tiễn, đặc biệt là đối với nghĩa vụ liên đới đã phân chia được theo phần, bởi vì: khi người phải thi hành án đã thi hành xong nghĩa vụ của mình theo bản án (nghĩa vụ đã được chia phần) thì để họ thực hiện tiếp phần nghĩa vụ của người khác là rất khó khăn.

Người phải thi hành án thường không tự nguyện thi hành, thậm chí còn khiếu nại gay gắt. Do đó, đối với nghĩa vụ liên đới đã phân chia được theo phần cần có phương án giải quyết phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong việc thi hành án. 

Theo Điều 55 Luật THADS , trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan THADS ủy thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan THADS thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành. 

Trường hợp những người phải thi hành nghĩa vụ liên đới có tài sản ở nhiều nơi, cơ quan THADS thực hiện ủy thác theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để lựa chọn nơi ủy thác thi hành án.

Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau mà tài sản ở địa phương nhận ủy thác không đủ để thi hành án thì cơ quan THADS nơi nhận ủy thác có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án đối với tất cả những người, tài sản có liên quan đến việc thi hành án để tránh trường hợp tẩu tán, trốn tránh việc thi hành án (Điều 34 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). 

Tuy nhiên, việc xác định được nơi có điều kiện thi hành cũng như việc lựa chọn nơi để ủy thác đối với các trường hợp nhiều người cùng liên đới thực hiện nghĩa vụ vẫn còn có nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian do việc xác minh điều kiện thi hành án phải tiến hành ở nhiều địa phương khác nhau.

Việc xác nhận kết quả thi hành án đối với trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới cũng gặp vướng mắc. Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới thì thủ trưởng cơ quan THADS ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.

Trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với người đó (khoản 2 Điều 1 Thông tư số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC).

Như vậy, trong trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà một người đã thi hành toàn bộ nghĩa vụ cho những người còn lại thì việc xác nhận kết quả thi hành án đối với các đối tượng còn lại sẽ được thực hiện như thế nào? Đây cũng là một vấn đề cần tiếp tục có quy định cụ thể.

Đọc thêm