Khó tìm “người có tóc” để truy trách nhiệm trong bồi thường oan, sai

(PLO) - Việc giải quyết bồi thường gắn với việc xác định trách nhiệm của người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại. Song khi số tiền bồi thường thiệt hại trong Tố tụng Hình sự thường rất lớn thì số tiền hoàn trả lại rất… “hẻo” hoặc không có.

Hậu vụ án 7 thanh niên bị oan ở Sóc Trăng, có 3 cán bộ tiến hành tố tụng bị truy tố.  Trong ảnh: VKSND tỉnh Sóc Trăng trong buổi bồi thường cho các thanh niên bị hàm oan.
Hậu vụ án 7 thanh niên bị oan ở Sóc Trăng, có 3 cán bộ tiến hành tố tụng bị truy tố. Trong ảnh: VKSND tỉnh Sóc Trăng trong buổi bồi thường cho các thanh niên bị hàm oan.
Bồi thường tiền tỷ, hoàn trả tiền triệu?
Theo quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả ngân sách Nhà nước khoản tiền mà Nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mức hoàn trả bồi thường, việc hoàn trả có thể được thực hiện 1 lần hoặc nhiều lần. 
Tuy nhiên, trách nhiệm hoàn trả này lại chưa được qui định đầy đủ, cụ thể, nhất là việc xác định lỗi của người vi phạm làm căn cứ xác định mức hoàn trả vào ngân sách nhà nước theo qui định. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là hiện chưa có văn bản qui định cụ thể việc xác định lỗi cố ý hay vô ý nên việc xác định mức hoàn trả không thực hiện được. 
Vì thế, trong 3 năm (2011-2014), đã có 71 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do oan, sai trong TTHS với tổng số tiền phải bổi thường là 9.228.199.000 đồng, nhưng chỉ có  một trường hợp trong TAND các cấp phải xem xét trách nhiệm hoàn trả với số tiền hoàn trả là 169.177.000 đồng. Bởi báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, trên thực tế, hầu hết các vụ việc phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động TTHS đều được xác định là do lỗi vô ý của người thi hành công vụ. 
Luật qui định mức hoàn trả do lỗi vô ý của người thi hành công vụ không quá 3 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định hoàn trả là thấp nên không đảm bảo tính phòng ngừa, hạn chế việc phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Không những thế còn gây khó khăn cho ngân sách nhà nước khi số tiền bồi thường thiệt hại trong TTHS thường rất lớn nhưng số tiền hoàn trả lại rất… “hẻo” hoặc không có.
Khó xác định lỗi đòi hoàn trả
Thực tiễn thi hành trách nhiệm hoàn trả cho thấy, trách nhiệm, thời hạn hoàn trả theo qui định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường là chính cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây oan, sai đã làm phát sinh tâm lý né tránh, đùn đẩy giải quyết bồi thường từ phía các cơ quan có trách nhiệm. 
"Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, qui định “người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại không phải chịu trách nhiệm hoàn trả” là qui định đặc thù trong hoạt động TTHS song “không thỏa đáng và thống nhất với các hoạt động khác”. – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh. Luật cũng chưa có qui định cụ thể về mức độ, hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, dẫn đến việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không nghiêm.
Bên cạnh đó, qui định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường là phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ nhằm đảm bảo công bằng, khách quan trong thụ lý, giải quyết đơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Phong – Phó Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, trường hợp cơ quan có thẩm quyền chậm hoặc không ra quyết định sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị hại cũng như thời hạn giải quyết bồi thường. 
Trường hợp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không ra văn bản giải quyết khiếu nại hoặc ra văn bản giải quyết nhưng không kết luận cụ thể hành vi của người thi hành công vụ có trái pháp luật hay không, Luật Khiếu nại dẫn chiếu ngược lại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước dẫn đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại, gây mất thời gian, công sức, tiền bạc.
Cũng do việc giải quyết bồi thường chưa được củng cố, kiện toàn đúng vai trò, nhiệm vụ nên việc xác định trách nhiệm của công chức gây thiệt hại để hoàn trả khó thực hiện. Các cơ quan tiến hành tố tụng đều thừa nhận nhiều vụ án xảy ra đã lâu, nhiều người cùng tham gia giải quyết ở nhiều giai đoạn nên khó xác định lỗi, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị, một số công chức liên quan đến oan, sai đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác, chết… cũng là những nguyên nhân dẫn đến khó thực hiện trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường của công chức cho ngân sách nhà nước.
Như vậy, không xác định được trách nhiệm bồi hoàn thì phải “lấy tiền của dân để bồi thường” như phản ánh của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình) sẽ khiến dư luận thêm bức xúc và suy giảm niềm tin vào hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật. Có nhiều giải pháp đã được đưa ra để khắc phục tình trạng này, song quan trọng hơn cả là phải bắt đầu ngay những giải pháp củng cố ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ tư pháp khi “nắm trong tay sinh mạng pháp lý của người dân”. 

Đọc thêm