Khó xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng bị xử phạt rất nặng, nhưng xem ra việc việc xử phạt được là vô cùng khó khăn

Khó phạt vì lực mỏng
Vi phạm trong hoạt động công chứng có thể bị xử phạt tới 10 triệu đồng, còn phổ biến từ 500 ngàn đến 5 triệu đồng nhưng xem ra việc “xử” rất khó khăn.

Chứng ngoài trụ sở: bị phạt cũng đi?

Một trong những hành vi có thể bị phạt tới từ 3 đến 5 triệu đồng là thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định.

Theo Nghị định 60/CP ngày 23/7/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp quy định: chỉ trừ trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Hướng dẫn khách hàng tại Văn phòng công chứng - Ảnh minh họa
Hướng dẫn khách hàng tại Văn phòng công chứng - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc chứng ngoài trụ sở hiện nay là rất phổ biến, ngoài các trường hợp pháp luật cho phép, chưa có một hướng dẫn nào về các trường hợp khác được phép ra ngoài mà “có lý do chính đáng”.

Trong một đợt kiểm tra hoạt động của các Văn phòng công chứng tại Hà Nội, nhiều trưởng văn phòng thừa nhận: cứ có yêu cầu chứng ngoài trụ sở là họ lại “lên đường”, bất biết lý do đó có phải chính đáng hay không (vì suy cho cùng, chính đáng hay không đều là do cách nhìn nhận của công chứng viên mà ra).

Nếu không phải là công chứng viên, Trưởng Văn phòng đi thì là nhân viên. Nhiều văn phòng có tới hơn một nửa là công chứng ngoài trụ sở mặc dù họ chỉ có một công chứng viên.


Ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội đánh giá: mức phạt từ 3 đến 5 triệu cho hành vi công chứng không đúng quy định ngoài trụ sở là rất “nặng” so với nghị định 76 trước đây.

Tuy nhiên, ông Cao cũng thừa nhận cái khó cho người có thẩm quyền xử phạt là việc xác định trường hợp nào chính đáng, trường hợp nào không. “Nếu không cân nhắc thì có thể dẫn tới “phạt nhầm” hoặc ngược lại, lẽ ra không đáng phạt thì lại bị phạt”, ông Cao nói.

Một hành vi khác theo Nghị định tại Nghị định 60/CP có thể bị phạt từ 500 ngàn tới 1 triệu đồng là không đăng báo hoặc đăng báo không đầy đủ nội dung, số lần theo quy định về nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Tại Hà Nội, qua kiểm tra 1 năm hoạt động của hơn 20 tổ chức hành nghề công chứng cho thấy, có đến 1/3 vi phạm quy định này nhưng cũng …không ai biết để xử phạt.

Lực lượng mỏng, phát hiện khó

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp nói chung, công chứng nói riêng theo quy định của Nghị định 60 thuộc về cơ quan thanh tra chuyên ngành tư pháp (gồm thanh tra viên và Chánh thanh tra Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp).

Hiện nay, mặc dù 63 tỉnh thành trên cả nước đều đã có tổ chức thanh tra với hơn 100 thanh tra viên (tức bình quân mỗi tỉnh chỉ khoảng 2 người) thì muốn phạt cũng không xuể.


Hơn nữa, việc phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này rất khó khăn. Đơn cử ngoài việc chứng ngoài trụ sở, việc không đăng báo đúng quy định thì rất nhiều hành vi khác từ đơn giản như sửa lỗi kỹ thuật không đúng, trong việc lưu giữ, bảo quản hồ sơ...đến việc thay đổi, làm sai lệch hồ sơ công chứng thì có được ”mời” đến tận nơi, thẩm định từng hồ sơ chưa chắc đã phát hiện huống hồ mỗi địa phương chỉ có khoảng 2 thanh tra viên.

Thêm một điều khó nữa, các hành vi vi phạm nếu không bị ”bắt quả tang” thì cũng dễ dàng xóa đi mọi dấu vết, khi lực lượng chức năng có mặt thì nó đã không còn.

Có ý kiến cho rằng, nếu chỉ ”trông” vào sự phát hiện của thanh tra viên thì việc xử phạt sẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên chăng cần thiết lập mạng lưới cộng tác viên trong chính các tổ chức hành nghề công chứng.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân để khi phát hiện, họ thông tin kịp thời cho người có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, cả hai vấn đề này cũng không dễ dàng, vì với lực lượng thanh tra viên quá mỏng như hiện nay sẽ không thể ”chạy” theo nguồn tin khi mà hành vi vi phạm xảy ra ở xa trụ sở cơ quan người có thẩm quyền xử phạt.

Trước mắt, tăng cường năng lực cho đội ngũ thanh tra viên là việc làm cấp thiết, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm cũng là một hình thức phòng ngừa vi phạm.

Thu Hằng

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng viên soạn thảo hợp đồng, giao dịch theo đề nghị của người yêu cầu công chứng mà nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch không xác thực, vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;
b) Thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng;
c) Thực hiện việc công chứng không đúng thời hạn theo quy định;
d) Thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định.
(Khoản 4 Điều 17 Nghị định 60/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp)

Đọc thêm