Khơi dậy động lực cho đất nước phát triển và ứng phó kịp thời với dịch Covid-19

(PLVN) - Đây là một trong những yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi dự và chỉ đạo phiên họp lần thứ nhất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Phiên họp diễn ra với sự tham dự của Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, với sự có mặt đông đủ của các Tổ phó và các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Ngoài việc công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, phiên họp lần thứ nhất đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ cấp bách của Tổ công tác.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, phiên họp diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, thậm chí đối diện với nguy cơ giải thể, phá sản.

Toàn cảnh phiên họp lần thứ nhất.
Toàn cảnh phiên họp lần thứ nhất.

Trước khó khăn, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo việc triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhất là tác động đến sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân.

Việc tổ chức ngay phiên họp đầu tiên sau khi Thủ tướng Chính phủ thành lập và phê duyệt Danh sách thành viên Tổ công tác đã thể hiện tinh thần khẩn trương, trách nhiệm đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Tổ công tác phát huy tinh thần này trong suốt quá trình hoạt động.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, Tổ công tác đã tập trung trao đổi, thảo luận các nhiệm vụ cụ thể về rà soát chuyên sâu các nhóm văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, đề cập đến các nhóm văn bản liên quan trực tiếp đến đầu tư kinh doanh như thành lập doanh nghiệp; phê duyệt, triển khai thực hiện dự án đầu tư; tiếp cận nguồn lực (đất đai, tài nguyên, tín dụng...) trong hoạt động kinh doanh; lao động, việc làm và an sinh xã hội; hợp đồng, giải quyết tranh chấp kinh doanh; kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp...

Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu kết luận.
Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu kết luận.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận kết quả của công tác xây dựng pháp luật góp phần quan trọng vào những thành tựu của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật. Để khắc phục những hạn chế đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng cần nâng cao hiệu quả công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Báo cáo tại phiên họp, Tổ phó thường trực Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Đối với nhiệm vụ rà soát độc lập, chuyên sâu theo chuyên đề, lĩnh vực, Tổ công tác dự kiến thực hiện rà soát 11 chuyên đề, lĩnh vực như nhóm VBQPPL quy định đăng ký thành lập, hoạt động của doanh nghiệp và điều kiện đầu tư kinh doanh; nhóm VBQPPL quy định về tiếp cận đất đai, tài nguyên; nhóm VBQPPL đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Về rà soát các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, dự kiến tập trung vào các quy định nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, giãn hoãn nợ, phí bảo hiểm, các chính sách đối với người lao động…

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Tổ công tác xác định, thống nhất, nâng cao nhận thức trong xây dựng, rà soát hệ thống pháp luật. Đó là VBQPPL thiếu đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn sẽ tác động, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với pháp luật, chính sách, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo, tác động tiêu cực, nghiêm trọng, toàn diện đến kinh tế, xã hội đất nước, đời sống nhân dân. Chúng ta đang phải tập trung tối đa nguồn lực cho công tác phòng chống đại dịch, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển sau dịch.

Do đó, cần có các biện pháp nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và tăng tốc khi dịch bệnh qua đi, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời các vấn đề về thể chế, chính sách và pháp luật.

Với tinh thần khẩn trương, hành động quyết liệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp – Cơ quan thường trực Tổ công tác và các thành viên tập trung triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ cấp bách.

Cụ thể là Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo Tổ công tác xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm, gồm rà soát chuyên sâu, chuyên đề, lĩnh vực theo nhóm quy định để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ; rà soát, kiến nghị sửa đổi ngay những VBQPPL thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan… để ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.

“Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách cần ưu tiên thực hiện có hiệu quả và kết quả ngay. Tôi đề nghị các đồng chí tập trung tối đa nguồn lực thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác phải có sản phẩm cụ thể như kiến nghị sửa đổi cái gì, như thế nào chứ không nói chung chung”, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tổ công tác cần phát hiện bằng được, chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; các kiến nghị, đề xuất cần cụ thể; sửa đổi, bổ sung các VBQPPL nhằm khơi dậy các động lực, tạo ra dư địa chính sách cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các cán bộ giỏi từ các bộ, sự tham vấn các chuyên gia về các kiến nghị chính sách…

Để kịp thời nắm bắt các thông tin phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về các văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội, Tổ công tác đã xây dựng chuyên mục "Tiếp nhận phản ánh văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, bất cập" tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Những phản ánh kiến nghị này và cả các sáng kiến, đề xuất hoàn thiện pháp luật sẽ được Tổ công tác rà soát, xem xét kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Đọc thêm