Khốn khổ hành trình đi xin xóa án tích

(PLO) -Theo quy định của BLHS hiện hành, thời hạn xem xét xoá án tích được tính từ thời điểm người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác tại bản án (Khoản 3 Điều 67 BLHS 1999). Quy định này có thể dẫn đến trường hợp người bị kết án dù đã chấp hành xong hình phạt chính hoặc đã chấp hành xong cả hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung nhưng chỉ vì chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung hoặc nghĩa vụ dân sự khác mà chưa được tính thời hạn để xoá án tích. 
Làm thủ tục đặc xá năm 2015 tại một trại giam.
Làm thủ tục đặc xá năm 2015 tại một trại giam.
Thủ tục xóa án tích đang “có vấn đề”
Theo báo cáo tổng kết thi hành BLHS của nhiều địa phương, quá trình xem xét xoá án tích đối với người bị kết án trong thời gian qua gặp một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người bị kết án, cản trở quá trình tái hòa nhập cộng đồng. 
Cụ thể, một trong những điểm nhân văn của BLHS là quy định trường hợp đương nhiên được xoá án tích, theo đó, người bị kết án sẽ được đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn luật định kể từ ngày chấp hành xong bản án hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không phạm tội mới thì được xoá án tích và được toà án cấp giấy chứng nhận. 
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, Toà án chỉ cấp giấy chứng nhận đã được xoá án tích cho các đối tượng có đơn yêu cầu. Tuy nhiên, thủ tục xin giấy chứng nhận đã được xoá án tích hết sức phức tạp, gây phiền hà cho người bị kết án. 
Nhiều ý kiến cũng nhận định, thời hạn xem xét để xoá án tích theo quy định hiện hành còn quá dài kể cả đương nhiên được xoá án tích và xoá án tích theo quyết định của toà án, chưa tạo điều kiện để người đã chấp hành xong bản án nhanh chóng tái hoà nhập xã hội. Một mặt án tích thể hiện thái độ của Nhà nước đối với người bị kết án, trường hợp chưa được xoá án tích mà còn phạm tội hoặc vi phạm pháp luật thì Toà án có thể xác định là tình tiết cấu thành tội phạm “đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”, hoặc tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự “tái phạm”, “tái phạm nguy hiểm” để xử lý người bị kết án phạm tội mới. 
Mặt khác, án tích tác động và hạn chế việc thực hiện các quyền của người bị kết án như quyền được hành nghề, công việc nhất định, việc ứng cử,... và do đó, ảnh hưởng đến việc tái hoà nhập cộng đồng của người bị kết án. Thời hạn xem xét xoá án tích càng dài thì mức độ ảnh hưởng càng lớn và có thể dẫn đến những tiêu cực lớn hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bị kết án và gia đình họ. 
Sẽ không phải “xin” trong trường hợp đương nhiên xóa án tích
Theo luật hiện hành, để được cấp giấy chứng nhận xóa án tích, người bị kết án phải tự mình đến các cơ quan có liên quan đến xin chứng nhận, ví dụ: họ phải xin giấy xác nhận đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án, xác nhận về việc không phạm tội mới, tuân thủ pháp luật. Những thủ tục này không hề đơn giản và khó khăn cho những người mới chấp hành xong án hình sự. 
Để bảo đảm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và thực hiện quyền con người, đáp ứng các mục tiêu về cải cách tư pháp..., Bộ Tư pháp đang đề xuất sửa đổi một số vấn đề lớn về chính sách xóa án tích. 
Cụ thể, Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều kiện xoá án tích theo hướng:  Rút ngắn một bước thời hạn để được xóa án tích so với quy định hiện hành tạo điều kiện cho người bị kết án sớm hoà nhập cộng đồng. Quy định rõ thời điểm xóa án tích được tính từ khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính (quy định hiện hành là từ khi chấp hành xong bản án) hoặc từ khi bản án hết thời hiệu thi hành. Các hình phạt bổ sung hoặc các quyết định khác trong bản án thì người bị kết án buộc phải chấp hành trong thời hạn xem xét xoá án tích. Sửa đổi điều kiện “không phạm tội mới” bằng quy định “không bị kết án về tội mới bằng bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật” để bảo đảm quyền được suy đoán không có tội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. 
Bộ Tư pháp cũng đề nghị đổi mới căn bản thủ tục xóa án tích theo hướng thuận lợi hơn cho người dân, không quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người được đương nhiên xóa án tích, mà Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án trên cơ sở các tài liệu do các cơ quan liên quan chuyển đến theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2010. 
Trường hợp người bị kết án chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung, quyết định khác của bản án thì cơ quan này phải cảnh báo cho họ biết về việc chưa đủ điều kiện để xoá án tích. Trường hợp xác định được người bị kết án đã có đủ điều kiện xoá án tích theo quy định thì Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải ghi “đã được xóa án tích” vào Lý lịch tư pháp của người đó và cấp Phiếu lý lịch tư pháp có ghi “không có án tích” khi được yêu cầu.
Phương án này cũng đề nghị quy định rõ xóa án tích đối với người bị kết án chưa thành niên trong mọi trường hợp đều là đương nhiên được xóa án tích, đồng thời xác định chỉ người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về một tội đặc biệt nghiêm trọng mới có án tích và thời hạn để tính xoá án tích là 03 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc kể từ ngày bản án hết hiệu lực thi hành mà không phạm tội mới theo bản án của toà án đã có hiệu lực pháp luật. 
Bên cạnh đó, xác định rõ những trường hợp không bị coi là có án tích bao gồm người bị kết án về một tội do lỗi vô ý, người được miễn hình phạt. 
Theo nhận định của các chuyên gia, phương án này không chỉ khắc phục được những bất cập của quy định pháp luật hiện hành, mà còn đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn về xoá án tích, khuyến khích người bị kết án chấp hành nghiêm chỉnh bản án, tạo điều kiện để họ nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng./.

Đọc thêm