Không cần thiết bổ sung chức danh Trợ lý Thẩm phán

(PLO) - Hôm qua (13/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào hai Dự án Luật: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) sửa đổi và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi với các nội dung đáng chú ý liên quan đến các chức danh tư pháp.
Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ quy định về chức danh Trợ lý Thẩm phán. Ảnh minh họa
Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ quy định về chức danh Trợ lý Thẩm phán. Ảnh minh họa
Lo bộ máy cồng kềnh
Bên cạnh các chức danh tư pháp đã có theo quy định của pháp luật hiện hành (như: Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án), tại Điều 6 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi quy định bổ sung chức danh Trợ lý Thẩm phán và Trợ giúp viên tư pháp về gia đình và người chưa thành niên.
Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Tư pháp cho biết nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ quy định về chức danh mới này, bởi vì quy định theo Dự thảo Luật  thì Trợ lý Thẩm phán là người trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán quốc gia, được tuyển dụng, bổ nhiệm làm Trợ lý Thẩm phán, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trừ việc ra bản án, quyết định của Tòa án. 
Quy định như vậy sẽ chồng chéo, mâu thuẫn với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Việc quy định thêm chức danh này để giúp việc cho Thẩm phán trong khi đó ở Tòa án cũng đã có các chức danh Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án giúp việc cho Thẩm phán là không cần thiết, không hiệu quả, làm cho bộ máy cồng kềnh thêm.
Về chức danh Trợ giúp viên tư pháp về gia đình và người chưa thành niên, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định chức danh này trong Dự thảo Luật. Bởi vì để đáp ứng yêu cầu đặc thù trong việc giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên, nhất là hiểu biết về tâm, sinh lý của người chưa thành niên, pháp luật hiện hành đã có quy định Thẩm phán được phân công giải quyết các vụ, việc về gia đình, người chưa thành niên phải là những người có hiểu biết tốt về gia đình, người chưa thành niên; đặc biệt phải lựa chọn các Hội thẩm là các chuyên gia về các lĩnh vực này tham gia xét xử. 
Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC
Trình Dự án Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, VKSNDTC đề nghị quy định tăng tuổi làm việc của Kiểm sát viên VKSNDTC - 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Ủy ban Tư pháp cho biết hiện có 02 loại ý kiến về vấn đề này. Trong đó, nhiều ý kiến tán thành với Ban soạn thảo về việc tăng tuổi làm việc đối với Kiểm sát viên VKSNDTC và quy định ngay trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, tăng tuổi làm việc của Kiểm sát viên VKSNDTC là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần có sự nghiên cứu, đánh giá xem xét tổng thể toàn diện về mọi mặt. Trước mắt, không nên quy định ngay trong Luật tuổi làm việc của Kiểm sát viên VKSNDTC.
Thảo luận tại phiên họp, có ý kiến đồng tình với Dự thảo vì cho rằng kiểm sát là nghề đặc thù, do đó nên kéo dài tuổi làm việc. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì quy định này không phù hợp với Bộ luật Lao động (nam nghỉ hưu 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Nếu muốn kéo dài tuổi làm việc thì phải được Chính phủ đồng ý và bằng văn bản khác chứ không thể quy định trong luật này.      

Đọc thêm