Không điều chỉnh dịch vụ pháp lý thiện nguyện của xã hội

(PLO) - Để phân biệt giữa trợ giúp pháp lý (TGPL) do Nhà nước bảo đảm và dịch vụ pháp lý thiện nguyện, miễn phí của xã hội, Luật TGPL sửa đổi dự kiến chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội về TGPL do Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước. 
Không điều chỉnh dịch vụ pháp lý thiện nguyện của xã hội

Đây là một trong những định hướng sửa đổi mà Bộ Tư pháp đang nghiên cứu nhằm thể hiện rõ bản chất và đặc trưng của dịch vụ TGPL là trách nhiệm xã hội của Nhà nước, do Nhà nước bảo đảm.

Hiện nay, ngoài những chủ thể được quy định trong Luật TGPL thì trên thực tế còn có một số tổ chức khác cũng đang sử dụng thuật ngữ TGPL để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng khác nhau trong xã hội như các tổ chức sự nghiệp của Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư, Hội Cựu chiến binh…

Hơn nữa, một số quy định của Luật như khái niệm, hình thức TGPL đã dẫn tới việc một số nơi nhầm lẫn coi phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ của TGPL, gây chồng lấn với nhiệm vụ của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Vì vậy, trong dự kiến sửa đổi Luật TGPL sẽ chỉ quy định về tổ chức và hoạt động TGPL do Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách, bao gồm các tổ chức nhà nước thành lập để chuyên thực hiện TGPL (Trung tâm TGPL Nhà nước) và các tổ chức xã hội nhận tiền của Nhà nước để thực hiện TGPL.

Mặt khác, Luật sửa đổi sẽ không điều chỉnh đối với các hoạt động TGPL theo nghĩa vụ của luật sư, hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý tự nguyện của các tổ chức, cá nhân khác.

Luật TGPL của nhiều nước cũng chỉ điều chỉnh về tổ chức, hoạt động và các vấn đề liên quan đến tổ chức TGPL do Nhà nước thành lập hoặc cấp kinh phí mà không điều chỉnh dịch vụ pháp lý thiện nguyện của xã hội.

Nhất trí với định hướng sửa đổi trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Đặng Công Khôi cho rằng, TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước có chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động TGPL hiệu quả, bảo đảm quyền được TGPL, đồng thời khuyến khích, huy động các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ công tác TGPL.

Bởi ông Khôi phân tích, TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho một số đối tượng thuộc diện không có khả năng tài chính, Nhà nước có chính sách hỗ trợ để tiếp cận các dịch vụ pháp lý, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tạo lập sự công bằng xã hội trên phương diện tiếp cận pháp luật.

PGS.TS Dương Đăng Huệ cũng ủng hộ việc chỉ điều chỉnh các quan hệ về TGPL mà ở đó Nhà nước là người trả tiền. Theo ông Huệ, cần xác định rõ ràng như sau: quan hệ TGPL do Nhà nước trả tiền do Luật TGPL quy định, quan hệ TGPL miễn phí do luật sư thực hiện theo nghĩa vụ thì do Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành điều chỉnh, quan hệ TGPL thiện nguyện, miễn phí do các tổ chức, cá nhân khác thực hiện thì do các văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức, cá nhân đó điều chỉnh.

Việc xác định như vậy sẽ tạo điều kiện tốt hơn để nhu cầu TGPL của người dân được thỏa mãn trong thực tế và cũng không ảnh hưởng đến hoạt động TGPL của các tổ chức, cá nhân đang thực hiện các dịch vụ miễn phí này.

Đọc thêm