Không phân chia địa hạt trong một số hoạt động của Thừa phát lại

(PLO) - Hôm qua (19/9), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng các Thứ trưởng đã có cuộc họp nghe các đơn vị báo cáo về nội dung, tiến độ xây dựng các dự thảo Nghị định, đề án. Nhiều nội dung xung quanh các dự thảo Nghị định, đề án này được Lãnh đạo Bộ cho ý kiến chỉ đạo để kịp thời hoàn thiện, làm cơ sở triển khai các hoạt động liên quan.
Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị cần tiếp tục chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp.
Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị cần tiếp tục chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp.

Đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ pháp luật

Báo cáo về dự thảo Đề án thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội thuộc khu vực Tây Nguyên, Phó Hiệu trưởng Chu Mạnh Hùng cho biết: Qua hơn 36 năm xây dựng và trưởng thành, Trường đã phát triển khá toàn diện, vững chắc, xứng đáng là cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn nhất của cả nước với đội ngũ giảng viên là các nhà khoa học có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, năng lực, phẩm chất tốt; cơ sở vật chất khá khang trang, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Việc thành lập Phân hiệu là một trong những giải pháp căn bản để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Trường thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc đào tạo nguồn cán bộ pháp luật tại chỗ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cải cách tư pháp ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Sau khi lắng nghe phát biểu của đại diện một số đơn vị, ý kiến của các Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Nguyễn Khánh Ngọc và Lê Tiến Châu về dự thảo Đề án, Bộ trưởng Lê Thành Long hoan nghênh quyết tâm thành lập Phân hiệu của Trường Đại học Luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu, việc mở Phân hiệu đòi hỏi phải khảo sát kỹ nguồn tuyển sinh, hoàn thành đầy đủ các thủ tục liên quan và đặc biệt phải đảm bảo chất lượng đào tạo.

Lãnh đạo Bộ cũng nghe về dự kiến sửa đổi Nghị định số 81/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm… Một nội dung đáng chú ý là bổ sung Nghị định số 81/2013/NĐ-CP theo hướng cá nhân, tổ chức vi phạm có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ bưu điện thực hiện việc thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính. Việc ủy quyền này có thù lao theo quy định của pháp luật dân sự (các hệ thống dịch vụ bưu điện là các cơ quan, tổ chức thực hiện dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật). Đây là thực hiện chủ trương của Chính phủ  cho phép thực hiện việc thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc Nhà nước thông qua dịch vụ của hệ thống bưu điện.

Sẽ mở rộng phạm vi công việc của Thừa phát lại

Một dự thảo văn bản quan trọng được báo cáo tại buổi làm việc hôm qua là dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP về Thừa phát lại (TPL). Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến, dự thảo Nghị định cơ bản giữ nguyên thẩm quyền, phạm vi công việc của TPL như hiện nay. Bên cạnh đó, có dự kiến mở rộng một số nội dung nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của các văn phòng TPL, nhất là không phân chia địa hạt trong tống đạt và lập vi bằng.

Cụ thể, ngoài việc tống đạt văn bản của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự, dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng phạm vi tống đạt theo hướng TPL được tống đạt văn bản liên quan đến việc giải quyết các vụ án dân sự do đương sự trong các vụ án yêu cầu để phục vụ việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự; thực hiện tống đạt văn bản theo Công ước La Hay 1965 và tống đạt văn bản của các cơ quan, tổ chức khác.

Về xác minh điều kiện thi hành án, dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng TPL có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên phạm vi toàn quốc (không chỉ là các cơ quan thi hành án trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi đặt văn phòng TPL)… 

Phụ trách công tác bổ trợ tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc lưu ý, tống đạt có ranh giới rõ ràng với hoạt động bưu chính và đây cũng là giải đáp băn khoăn của một số ý kiến cho rằng tống đạt có liên quan đến bưu chính. Thứ trưởng nhấn mạnh đến việc quy định đưa vào cuộc sống một chế định thì phải làm sao cho hiệu quả và đối với nghề TPL, tiêu chí hàng đầu là chất lượng, uy tín, đảm bảo công lý, công bằng.

Đồng tình, Bộ trưởng cho rằng, mặc dù còn có một số khó khăn nhưng cần tiếp tục chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp. Điều này đòi hỏi phải thiết kế công việc của TPL thật hợp lý, trong giai đoạn đầu có sự hỗ trợ nhưng tiến tới các tổ chức hành nghề TPL phải tự tồn tại. Bộ trưởng cũng nhất trí mở rộng phạm vi công việc của TPL song đề nghị rà soát kỹ nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý, không chồng lấn với các hoạt động khác.

Đọc thêm