Không thể “lấn sân” khi công chứng hợp đồng, giao dịch cho dân

(PLO) - Công chứng đã và đang là hoạt động rất gần gũi với người dân mỗi khi có nhu cầu giao dịch về tài sản, nhất là bất động sản. Tuy nhiên, hiện tồn tại nhiều vướng mắc trong hoạt động công chứng, gây phiền hà, tốn kém và bức xúc trong dư luận xã hội và gây khó khăn cho các công chứng viên khi hành nghề.
Liên thông thủ tục công chứng và đăng ký về đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân
Liên thông thủ tục công chứng và đăng ký về đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân

“Lấn sân” nhau làm khổ dân

Một công dân phản ánh trường hợp tại Ứng Hòa (TP Hà Nội) về việc bất động sản đã được thế chấp, đăng ký để bảo đảm cho một nghĩa vụ và muốn tiếp tục được thế chấp bằng hợp đồng thế chấp khác để bảo đảm cho nghĩa vụ khác. Tuy nhiên, công dân đã bị cơ quan đăng ký đất đai từ chối đăng ký hợp đồng thế chấp thứ 2 và được yêu cầu phải xóa đăng ký thế chấp lần đầu mới cho đăng ký hợp đồng lần 2 (coi như phải làm đăng ký thế chấp mới).

Yêu cầu trên khiến các công chứng viên phản ứng vì pháp luật cho phép một tài sản được thế chấp để đảm bảo nhiều nghĩa vụ. Cụ thể, khoản 2 Điều 21 Nghị định 102/2017 quy định trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì khi yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm tiếp theo, người yêu cầu đăng ký không phải xóa đăng ký đối với biện pháp bảo đảm đã đăng ký trước đó.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 102/2017, trường hợp bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm mà các bên ký hợp đồng bảo đảm mới, có hiệu lực độc lập với hợp đồng bảo đảm đã đăng ký trước đó thì người yêu cầu đăng ký thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm mới và không phải xóa đăng ký biện pháp bảo đảm trước đó. Do vậy, người dân thế chấp 1 tài sản 2 lần bằng 2 hợp đồng thế chấp để đảm bảo cho 2 nghĩa vụ là đúng quy định.

Trên đây chỉ một trong số rất nhiều vướng mắc diễn ra hàng ngày trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan và các tổ chức hành nghề công chứng trong quá trình giải quyết các giao dịch cho công dân và tổ chức. Điều đó không chỉ gây khó khăn cho các công chứng viên khi hành nghề mà còn gây phiền hà, tốn kém và bức xúc trong dư luận xã hội.

Thậm chí, hiện nay những công chứng viên có kinh nghiệm và nghiêm túc trong nghề nghiệp cũng không biết lúc nào văn bản công chứng của mình bị các cơ quan có liên quan trả lại, không thụ lý hồ sơ vì những lý do không chính đáng để đăng ký giao dịch cho công dân.

Tình trạng trên xảy ra có thể xuất phát những sai sót của công chứng viên; có thể từ sai sót của nhân viên các cơ quan liên quan do nhận thức về các quy định của pháp luật, về quyền hạn và trách nhiệm của mình chưa đầy đủ, không loại trừ đây đó có những cá nhân cố tình gây khó cho công dân và tổ chức đến làm việc. Nhưng nguyên nhân gốc là các cơ quan làm việc “lấn sân” nhau, chưa phân định rõ chức năng và thẩm quyền của từng cơ quan.

Phải có giải pháp căn cơ

Để khắc phục tình trạng này, nếu chỉ phát hiện những vướng mắc của từng vụ việc để tháo gỡ thì không bao giờ giải quyết được dứt điểm những tồn tại. Bởi thế, để giải quyết một cách căn cơ tình trạng trên, các cơ quan phải làm việc trên nguyên tắc thẩm quyền và chức năng của mình. Cụ thể, công chứng viên căn cứ vào yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức mà yêu cầu hồ sơ công chứng, soạn thảo văn bản công chứng và tiến hành công chứng từng giao dịch cụ thể theo trình tự pháp luật quy định.

Công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về giao dịch mình công chứng, bao gồm cả nội dung, hình thức của văn bản công chứng, hồ sơ công chứng và trình tự công chứng giao dịch.

Cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất chỉ yêu cầu các hồ sơ theo quy định của thủ tục hành chính khi tiến hành đăng ký các giao dịch của công dân và tổ chức. Cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất chỉ thẩm định lại hồ sơ và văn bản công chứng ở những nội dung do thẩm quyền quản lý đất đai và nhà ở của mình (những nội dung liên quan đến đất đai, nhà ở). Tránh trường hợp cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu toàn bộ hồ sơ công chứng, thẩm định lại toàn bộ hồ sơ, trình tự công chứng và văn bản công chứng.

Cơ quan thuế yêu cầu hồ sơ và tiến hành thu thuế theo đúng trình tự pháp luật quy định, tránh trường hợp cơ quan thuế cũng thẩm định lại toàn bộ hồ sơ và văn bản của công chứng viên. UBND cấp xã phải áp dụng pháp luật trên tinh thần vì lợi ích hợp pháp của người dân, phải chủ động tháo gỡ các rào cản cho người dân, không nên áp dụng một cách máy móc các quy định của pháp luật theo hướng làm khó cho người dân.

Đáng chú ý, chính Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội) kiến nghị thành lập hệ thống liên thông giữa Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố và các văn phòng công chứng trên địa bàn TP Hà Nội dưới hình thức thu giá dịch vụ giải quyết các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Đây cũng là giải pháp mà các cơ quan trung ương đã nghiên cứu khá lâu nhưng vẫn chưa “quyết” để triển khai và đây là thời điểm cần dứt khoát để kịp thời tháo gỡ vướng mắc thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức khi có nhu cầu giao dịch.

Đọc thêm