Không thể tha án tử đối với tội nhận hối lộ

(PLO) - Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Phiên họp thứ 41 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng qua (14/9) khi cho ý kiến về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nhận hối lộ không thoát án tử hình
Tại phiên họp, nhiều ý kiến nhất trí không xem xét giảm tử hình xuống chung thân đối với người phạm tội nhận hối lộ, kể cả có khắc phục hậu quả... để tránh hiểu lầm “dùng tiền để thoát án tử hình”. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng quy định này không nên áp dụng đối với tội “nhận hối lộ” vì nhận hối lộ rất nghiêm trọng, là hành vi chủ động để tham nhũng. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị mức tiền nhận hối lộ bao nhiêu thì phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) cần nghiên cứu cho phù hợp hơn.
Đa số ý kiến của thành viên thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, quy định loại tội phạm “có mục đích kinh tế” là không rõ, cần phải quy định cụ thể hơn và người phạm tội này phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình. 
Nhấn mạnh, người bị tuyên tử hình về tội tham ô tài sản khi khắc phục cơ bản hậu quả, lập công lớn, có thể xem xét không thi hành án tử hình nhưng vẫn chịu án tù chung thân chứ không phải được tha bổng, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy không thể tha án tử hình đối với tội nhận hối lộ.
Đủ cơ sở để qui định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Đồng tình sự cần thiết phải có quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm, nhất là khi tội phạm về kinh tế, môi trường đang có diễn biến phức tạp. 
Nhưng vấn đề được nhiều đại biểu tại phiên họp quan tâm là phải làm rõ mối quan hệ giữa TNHS của cá nhân và pháp nhân vì “nếu quy định không rõ thì trách nhiệm, vi phạm của cá nhân sẽ bị “chui” vào pháp nhân”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lo ngại.
Đa số ý kiến cho rằng, qui định TNHS của pháp nhân sẽ tạo điều kiện cho việc chứng minh lỗi, hậu quả thiệt hại do hành vi nguy hiểm của pháp nhân gây ra, bảo đảm công bằng, minh bạch trong việc áp dụng các chế tài, bảo đảm công bằng trong xử lý hình sự đối với pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, phù hợp với thông lệ chung của pháp luật trên thế giới. Hiện có 116 quốc gia, trong đó có 6 nước trong khối ASEAN có quy định về TNHS pháp nhân. 
Xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân gây ra khá phổ biến, gây ra nhiều hậu quả  nhưng việc xử lý hành chính thì chưa đảm bảo xử lý triệt để tương xứng với hậu quả của hành vi, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với việc cần thiết quy định TNHS của pháp nhân và nhận định “có đủ cơ sở thực tiễn, pháp lý, kinh nghiệm các nước để quy định về vấn đề TNHS của pháp nhân”.
Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lập luận, rất nhiều luật đã quy định trách nhiệm cho các tổ chức, có những vấn đề được giải quyết bằng hành chính thì cũng có thể xử lý bằng bản án của tòa án như quyết định đình chỉ hoạt động nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng. 
Mặc dù vậy, theo nhiều ý kiến, bước đầu chỉ nên chọn ra một số loại tội như tội kinh tế, môi trường, ngân hàng, tín dụng… để quy định TNHS của pháp nhân và không quy định TNHS của pháp nhân công quyền cho đúng tinh thần hội nhập cũng như đáp ứng yêu cầu của phòng, chống tội phạm.  
Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp thể hiện sự đồng tình với việc bổ sung quy định TNHS đối với pháp nhân. Song các ý kiến đặc biệt lưu ý phải làm rõ mối quan hệ giữa TNHS của cá nhân với TNHS của pháp nhân. 
Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh, làm rõ phạm vi trách nhiệm giữa pháp nhân với cá nhân vì xử TNHS đối với pháp nhân không có nghĩa không xử cá nhân. “Nếu quy định không rõ thì trách nhiệm, vi phạm của cá nhân sẽ bị “trốn”, sẽ “chui” vào pháp nhân. Như vậy, không đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm”, ông Lý nhấn mạnh. 
Dù đồng tình với việc quy định TNHS đối với pháp nhân nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, khi xét xử pháp nhân thì phải cá thể hóa trách nhiệm đối với cá nhân liên quan để chuyển sang xử lý TNHS cá nhân. “Điều này phải thể hiện rõ trong Dự thảo” – Chủ tịch yêu cầu. 

Đọc thêm