Không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án nên xếp diện việc gì?

(PLO) - Cùng là trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án nhưng pháp luật thi hành án dân sự (THADS) hiện hành đang có hai quy định liên quan khiến cơ quan THADS địa phương lúng túng trong áp dụng. Để đảm bảo thực thi pháp luật và hiệu quả công tác THADS, nhiều ý kiến đề nghị Tổng cục sớm có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc.
Cơ quan THADS tổ chức xác minh điều kiện thi hành án. Ảnh minh họa
Cơ quan THADS tổ chức xác minh điều kiện thi hành án. Ảnh minh họa

Quy định của pháp luật đang “chồng” nhau

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014, trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án là một trong các căn cứ để Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và thực hiện việc đăng tải công khai thông tin về việc người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án theo quy định.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và khoản 1 Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS thì việc “chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án” cũng là căn cứ để Thủ trưởng cơ quan THADS sẽ ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án phải tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án quyết định.

Về vấn đề này, mặc dù Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã làm rõ trường hợp nào Thủ trưởng cơ quan thi hành án cần ban hành quyết định chưa có điều kiện thi hành án và trường hợp nào ban hành quyết định hoãn thi hành án. Có điều, thực tế tổ chức thi hành án cho thấy, đối với loại việc người phải thi hành án phải tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án quyết định nhưng hiện không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án cũng cần được xếp vào diện việc chưa có điều kiện thi hành vì nhiều lý do. 

Cụ thể, việc Thủ trưởng cơ quan thi hành án ban hành quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp này tức là xác định loại việc này là việc có điều kiện để thi hành án, trong khi trên thực tế là không có điều kiện thi hành, là không phù hợp. Hơn nữa, tại thời điểm xác minh đã thể hiện việc chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì nếu ban hành quyết định hoãn thi hành án thì cũng không thể xác định rõ thời hạn đến bao giờ sẽ xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án mà vẫn buộc phải dựa vào kết quả của các lần xác minh tiếp theo. Do đó, nếu xếp vụ việc vào diện chưa có điều kiện thi hành án thì khi xác minh biết được địa chỉ của người phải thi hành án, cơ quan THADS tiếp tục tổ chức thi hành vụ việc sẽ đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xác minh điều kiện thi hành án quy định: “Trường hợp chưa xác định được địa chỉ và tài sản của người phải thi hành án hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án phải ghi rõ việc thi hành án bị hoãn theo điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS”. Như vậy, giữa quy định tại Điều 9 và Điều 14 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã có sự xung đột, cùng một căn cứ pháp lý nhưng 2 điều luật quy định 2 cách giải quyết khác nhau.

Đề xuất bỏ quy định tại Điều 48 Luật THADS

Qua nắm bắt thực tiễn, Vụ Nghiệp vụ 2 cũng thừa nhận trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án diễn ra tương đối phổ biến trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án của cơ quan THADS; cơ quan THADS gặp nhiều lúng túng khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo của quá trình tổ chức thi hành án.

Hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau về trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án. Ví dụ như nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì chỉ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khi xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án. Có quan điểm khác lại cho rằng, nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì chỉ ra quyết định về việc chưa có điều kiện về thi hành án theo Điều 44a Luật THADS năm 2014; đồng thời, không có cơ sở để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo Điều 61 Luật THADS năm 2014 do không xác định được nhân thân, tài sản của người phải thi hành án theo quy định nói trên. 

Đối với trường hợp trên, Vụ Nghiệp vụ 2 đề xuất Tổng cục THADS có văn bản hướng dẫn chung toàn quốc về việc nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì chỉ được ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại Điều 44a Luật THADS năm 2014 mà không xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, tránh trường hợp cơ quan THADS gặp lúng túng khi áp dụng quy định của pháp luật. Hiện tại, Tổng cục THADS mới chỉ có văn bản hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể do địa phương xin ý kiến nghiệp vụ, chưa xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn chung toàn quốc.

Đại diện Cục THADS tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị bỏ quy định về việc “chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án” tại Điều 48 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014, giữ nguyên quy định tại Điều 44a. Có như vậy mới phù hợp, phản ánh đúng thực tế và thể hiện tính nhất quán trong quy định của pháp luật.

Đọc thêm