Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng phương thức trọng tài

(PLO) - Những công ước, hiệp định quốc tế về thương mại mà Việt Nam là thành viên, đã tham gia hoặc đang đàm phán đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước sẽ phải làm quen với văn hóa sử dụng trọng tài thương mại như là phương thức giải quyết tranh chấp tối ưu của đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. 
Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp sử dụng trọng tài thương mại. Trong ảnh: Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Luật Trọng tài thương mại
Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp sử dụng trọng tài thương mại. Trong ảnh: Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Luật Trọng tài thương mại
Có điều, hiểu biết và nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp ở nước ta về trọng tài thương mại (TTTM) còn hạn chế. 
Doanh nghiệp còn thờ ơ
Thời gian gần đây, khi tiến hành giao dịch, một số doanh nghiệp bắt đầu để ý hơn trong lựa chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, không ít trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. 
Chẳng hạn, trường hợp các bên thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài như sau: “Bất kỳ tranh chấp liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bởi Trọng tài Singapore (SIAC) trong trường hợp bên bán yêu cầu. Trong khi đó, bất kỳ tranh chấp nào phát sinh liên quan đến hợp đồng mua bán này sẽ được giải quyết với trọng tài nước bên mua theo Luật Trọng tài quốc tế tại nước của bên mua trong trường hợp bên bán yêu cầu…”. 
Thỏa thuận như vậy đã xảy ra tranh chấp về thẩm quyền giải quyết của trọng tài trong trường hợp bên mua yêu cầu xem xét thủ tục khởi kiện tại cơ quan trọng tài và tại tòa án.
Nguyên nhân sâu xa là do phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam chưa có thói quen sử dụng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp của mình, thậm chí là chưa có niềm tin vào vai trò của trọng tài và khả năng thực thi các phán quyết của trọng tài trong thực tế nên chưa dành sự quan tâm tìm hiểu thích đáng về TTTM. Tâm lý “thắng - thua”, “kiện tụng” và truyền thống sử dụng tòa án trong việc giải quyết tranh chấp vẫn còn ăn sâu trong hoạt động kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.
Phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa
Bên cạnh sự chưa chủ động, tích cực của cá nhân, doanh nghiệp thì cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa chú trọng tuyên truyền pháp luật về TTTM cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc quán triệt Luật TTTM năm 2010 mới dừng lại ở một số lãnh đạo chủ chốt, còn đại đa số các cán bộ quản lý doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp vẫn nhận thức mơ hồ về TTTM nên chưa đủ sức thuyết phục cộng đồng doanh nghiệp đến các trung tâm trọng tài yêu cầu giải quyết các tranh chấp.
Để doanh nghiệp nhận thức đầy đủ tính ưu việt của phương thức trọng tài trong kinh tế thị trường, từ bỏ dần thói quen trông chờ sự can thiệp của tòa án, nhiều ý kiến tán thành phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến về vai trò, tính hiệu quả của trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp, luật sư và cơ quan có liên quan trực tiếp đến hoạt động TTTM như cơ quan tòa án, cơ quan thi hành án… 
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ trọng tài, thông qua các hình thức hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền, phổ biến, quảng bá hoạt động trọng tài trên các báo, đài, trang thông tin điện tử.
Đại diện Trung tâm TTTM TP HCM đề nghị Nhà nước ưu tiên tuyên truyền phổ biến Luật TTTM đến các tổ chức, cá nhân, luật gia, luật sư, cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Mặt khác, các trung tâm trọng tài phải đổi mới hoạt động của mình bằng chất lượng phục vụ khách hàng của các trọng tài viên nhằm thu hút doanh nghiệp tự nguyện chuyển đổi sử dụng dịch vụ trọng tài khi ký kết các hợp đồng kinh doanh thương mại thay vì thói quen cũ chọn tòa án.

Đọc thêm