Kiến nghị quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

(PLO) - Hôm qua, nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng Dự án Bộ luật Hình sự (Bộ luật Hình sự) sửa đổi đã có phiên họp góp ý vào Phần chung của Dự án sửa đổi. 
Kiến nghị quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
Một trong những vấn đề mới dự kiến bổ sung đã thu hút sự quan tâm và đồng tình của các chuyên gia là phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Chỉ “xử” pháp nhân kinh tế?
Thực tế vận hành của nền kinh tế thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp vì chạy theo lợi ích cục bộ đã có sự thông đồng từ người phụ trách đến nhân viên thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, về bảo hộ lao động gây hậu quả rất nghiêm trọng. Trong khi đó, pháp luật hiện hành áp dụng các chế tài hành chính, dân sự hoặc kinh tế để xử lý các hành vi vi phạm trên. 
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các loại trách nhiệm pháp lý này có tính răn đe thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong các trường hợp nêu trên. 
Vì vậy, việc nghiên cứu bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân là rất cần thiết theo hướng xác định rõ chính sách xử lý hình sự đối với các pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội; những loại tội phạm nào thì pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (có thể là các tội phạm về kinh tế, thuế, chứng khoán, môi trường…); các chế tài áp dụng đối với pháp nhân cũng như loại pháp nhân nào có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Hơn nữa, quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta mà còn đáp ứng những đòi hỏi của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, nhất là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước chống tham nhũng. 
Đại diện Thường trực Tổ biên tập Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn cho biết, trước mắt Tổ biên tập chỉ đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân kinh tế. Còn đối với những pháp nhân khác hoặc những tổ chức không có tư cách pháp nhân thì sẽ không là chủ thể của trách nhiệm hình sự.
Tham khảo kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia và qua trao đổi với các chuyên gia của Cộng hòa Pháp, Australia về loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, Tổ biên tập đưa ra hai cách quy định. 
Cách thứ nhất là quy định danh mục các tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, dự kiến bao gồm các tội phạm sau: các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc Chương XVI Bộ luật Hình sự; các tội phạm về môi trường thuộc Chương XVII Bộ luật Hình sự; các tội khủng bố, tài trợ cho khủng bố, rửa tiền, buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí, một số tội liên quan đến tham nhũng và một số tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng thuộc Chương XIX Bộ luật Hình sự.
Cách thứ hai lại quy định về nguyên tắc pháp nhân phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, trừ một số tội phạm cụ thể. Theo cách này, chỉ quy định danh mục những tội danh mà pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự gồm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình, một số tội xâm phạm hoạt động tư pháp như tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử; tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật…
Cần nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng và có phương án phù hợp vì nó sẽ làm thay đổi cơ bản quan niệm về tội phạm và hình phạt cũng như về cơ sở của trách nhiệm hình sự được thể hiện trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Trung tướng Trần Văn Độ - Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương phân tích, trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề không mới được ghi nhận trong pháp luật hình sự của nhiều nước. Ở nước ta, vấn đề này đã được đặt ra từ khi xây dựng Bộ luật Hình sự năm 1999 nên trong lần sửa đổi này, ông đồng tình với việc nghiên cứu bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân. 
Tuy nhiên, theo ông Độ, cần làm rõ loại pháp nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cơ sở chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân…, tức là phải quy định chặt chẽ, thậm chí phải dành hẳn một chương riêng về vấn đề này. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Nghĩa là, cùng với việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân về một tội phạm cụ thể thì những cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tội phạm của pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy đồng tình với việc nên có hẳn một chương riêng về trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhưng bà Dương Tuyết Miên (Trường Đại học Luật Hà Nội) lại cho rằng cả hai phương án về loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự đều có thể làm khó cơ quan tiến hành tố tụng. “Cách liệt kê thì e rằng có thể bỏ sót, cách loại trừ thì có thể gây vướng. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng đủ chứng cứ chứng minh pháp nhân phạm tội gì đó thì cứ thế mà làm, quy định như Tổ biên tập đề xuất dễ trói tay cơ quan tiến hành tố tụng” – bà Miên lý giải. 
Bà Miên cũng cho rằng, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ kéo theo rất nhiều điều luật phải thay đổi, đơn cử phải sửa ngay từ Điều 1 của Bộ luật Hình sự. Trong đó, quan trọng là xác định rõ khái niệm tội phạm để bao hàm được cá nhân và pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.H.T
Tham gia phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của Phần chung trong Bộ luật Hình sự và được các chuyên gia thảo luận kỹ để có những đóng góp chất lượng đối với những vấn đề mà Tổ biên tập báo cáo. 
Bộ trưởng cho biết, các đề xuất của Bộ Tư pháp về những định hướng lớn xây dựng Bộ luật Hình sự sửa đổi đã được Chính phủ thống nhất và trong đó sự cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nước ta và tính khả thi là một trong số những vấn đề cơ bản nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia. 
Ngoài ra là các vấn đề như giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ, hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình; hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên; mở rộng nguồn của pháp luật hình sự một cách hợp lý; thực hiện phi hình sự hóa một số tội phạm hiện hành không còn phù hợp với Hiến pháp 2013 và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của nước ta, đồng thời hình sự hóa một số hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự. 
“Một số hành vi như trộm chó, rải đinh để bẫy xe máy, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho người lao động… làm rối loạn cuộc sống bình yên của người dân, gây bức xúc trong xã hội mà không xử lý được” – Bộ trưởng dẫn chứng về những hành vi cần hình sự hóa.

Đọc thêm