Kinh phí tuyên truyền pháp luật: Vùng đặc biệt khó khăn sẽ có cơ chế riêng?

(PLO) - Kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật thời gian gần đây tuy đã được cải thiện song so với nhu cầu còn rất khó khăn, đặc biệt ở những địa phương ngân sách vẫn phải từ Trung ương cấp. Vậy đâu là giải pháp tháo gỡ?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, thực hiện luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGPL), các điều kiện bảo đảm về kinh phí, cơ sở vật chất được quan tâm hơn; hiệu lực, hiệu quả PBGDPL được bảo đảm, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. 

Thực tế, trong điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, của các địa phương gặp rất nhiều khó khăn nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư nguồn lực kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL. 

Tuy vậy, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận, so với nhu cầu PBGDPL của nhân dân thì nguồn lực đầu tư còn rất hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Luật PBGDPL, Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL đã quy định cụ thể cơ chế tài chính để triển khai công tác này, nhất là đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.

Căn cứ vào Luật Ngân sách nhà nước về phân cấp thực hiện ngân sách, trong hai năm 2015 và 2016, Bộ Tài chính đều có văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương, nhất là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách tự bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL trong phạm vi ngân sách được Trung ương giao. 

Qua theo dõi của Bộ Tư pháp và từ thực tiễn triển khai cho thấy, việc dành nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và điều kiện ngân sách ở từng cơ quan, tổ chức cũng như yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Vì vậy, trong khi chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung, Bộ Tư pháp đã đề nghị lãnh đạo Bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL.

Do vậy, Bộ đề nghị các địa phương chủ động dự kiến nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL báo cáo cơ quan có thẩm quyền bố trí trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 

Về lâu dài, Bộ Tư pháp cho biết sẽ nghiên cứu, phối hợp với Bộ, ngành, đoàn thể đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành luật, pháp lệnh để có được nguồn lực bảo đảm cho công tác này.

Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL; tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác PBGDPL; có giải pháp lồng ghép các hoạt động để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; khuyến khích, huy động các nguồn lực tham gia PBGDPL theo tinh thần xã hội hoá để công tác PBGDPL thực sự là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, Đề án về PBGDPL tại các địa bàn đặc thù, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương.

Liên quan tới vấn đề này, nhiều địa phương chung đề nghị cần bóc tách rõ nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL: Kinh phí chi thường xuyên; kinh phí chi đặc thù; kinh phí chi thực hiện các chương trình, Đề án theo mục tiêu để bảo đảm trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, xác định rõ phạm vi nguồn kinh phí Nhà nước chịu trách nhiệm bảo đảm, nguồn kinh phí Trung ương phải bảo đảm; kinh phí địa phương bảo đảm; kinh phí xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia.

Đọc thêm