Kịp thời hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

(PLVN) -Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp đã được triển khai nhằm tin kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc pháp lý phát sinh.
Kịp thời hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/1/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Chương trình sẽ cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng một cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; tối thiểu 60% người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, gồm: tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại và các hoạt động tư vấn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo 100% đề nghị tư vấn của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Chương trình được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Nội dung của Chương trình gồm 3 nhóm: Nhóm hoạt động cung cấp thông tin pháp lý; nhóm hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật; nhóm hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để triển khai Chương trình hiệu quả, thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, trước đó, Ban Quản lý Chương trình 585 đã tổ chức thực hiện xây dựng và phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó nhằm lan tỏa rộng rãi, thông tin kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc pháp lý phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 đồng thời tiếp thu những vướng mắc, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, qua đó đề xuất giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, phản ánh ý kiến của doanh nghiệp đến các bộ, ngành liên quan

Chương trình tập trung vào một số nội dung chính, bao gồm: Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Giải đáp những khó khăn, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 về liên quan tới các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng, về đầu tư, tín dụng - ngân hàng, về thuế, phá sản, lao động, bảo hiểm xã hội... Đồng thời trao đổi, bình luận về những vấn đề pháp lý mang tính thời sự xoay quanh việc giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Định hướng, phân tích các giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 từ ba mối quan hệ pháp luật: doanh nghiệp với Nhà nước, doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với khách hàng.

Còn các địa phương cũng đã chủ động tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Như tại tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên đề "Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy phát triển trong bối cảnh Covid-19. Lớp tập huấn có sự tham gia của 100 học viên là người quản lý, cán bộ phụ trách pháp chế của các doanh nghiệp triên địa bàn tỉnh. Học viên tham dự lớp bồi dưỡng đã được giới thiệu, phân tích và giải đáp các nội dung về: Chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ kế toán, thuế; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy phát triển trong bối cảnh Covid19 như: chính sách hỗ trợ tín dụng; chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ thuế…

Còn Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức Lớp bồi dưỡng chuyên đề “kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về pháp luật lao động và các chính sách, quy định hiện hành hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh. Thông qua các chuyên đề đã góp phần phục vụ có hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; góp phần nâng cao nhận thức, năng lực về quản lý, điều hành của doanh nghiệp; giúp các doanh nghiệp đề ra các giải pháp nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật trong quá trình quản lý, điều hành của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19; phòng tránh các rủi ro pháp lý trong sản xuất, lao động và kinh doanh để phát triển bền vững… 

Đọc thêm