Làm rõ căn cứ để tiêu hủy tài sản thi hành án

(PLVN) - Việc tiêu hủy tài sản ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tài sản của người dân. Song, trong nhiều trường hợp cơ quan thi hành án dân sự (THADS) có quyết định tịch thu, sung công tài sản rồi chuyển giao cho cơ quan tài chính cùng cấp nhưng tài sản bàn giao quá cũ hoặc hư hỏng, không còn giá trị sử dụng nên đã gây ra không ít khó khăn.
Cục THADS Quảng Ninh phối hợp với các ngành liên quan tiêu hủy ma túy
Cục THADS Quảng Ninh phối hợp với các ngành liên quan tiêu hủy ma túy

Tiêu hủy tài sản quá cũ hoặc hư hỏng

Trong trường hợp tài sản bàn giao quá cũ hoặc hư hỏng một phần, cơ quan THADS phải thực hiện theo các trình tự thủ tục quy định tại Điều 124 Luật THADS. Cụ thể, đối với vật chứng, tài sản tạm giữ mà bản án, quyết định tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan THADS phải thông báo bằng văn bản và tiến hành giao vật chứng, tài sản tạm giữ đó cho cơ quan tài chính cùng cấp.

Việc giao, nhận vật chứng, tài sản tạm giữ được lập biên bản, mô tả cụ thể thực trạng vật chứng, tài sản tạm giữ, có chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên giao, chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên nhận, nếu có.

Việc xử lý tài sản được thực hiện theo Điều 23 Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/04/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và Điều 11 Thông tư số 159/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP.

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận bàn giao tài sản từ cơ quan thi hành án (đối với tài sản có quyết định thi hành án) đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp tài sản không còn khả năng sử dụng hoặc tài sản thuộc danh mục cấm sản xuất, kinh doanh và lưu thông theo quy định của pháp luật thì được tiêu hủy, bao gồm: Văn hoá phẩm độc hại, ma túy, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và các tài sản khác buộc phải tiêu hủy. Do đó, việc tiêu hủy tài sản trong trường hợp này chỉ được thực hiện khi đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản đã lập phương án xử lý tài sản và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tiêu hủy tài sản không còn giá trị sử dụng

Theo khoản 3 Điều 126 Luật THADS, đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy tài sản theo quy định tại Điều 125 của Luật này. Đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó xử lý theo quy định.

Song, hiện nay chưa có quy định nào là căn cứ để xác định “tài sản không còn giá trị sử dụng” để ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy tài sản. Việc tiêu hủy tài sản ảnh hưởng đến quyền tài sản của người dân, do đó cần quy định cụ thể căn cứ xác định “tài sản không còn giá trị sử dụng” làm cơ sở cho cơ quan THADS áp dụng.

Tuy nhiên, tham khảo một số các quy định hiện hành của pháp luật khác cho thấy: Tại Quyết định số 57/1999/QĐ-TĐC ngày 11/3/1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã đưa ra phần trăm để đánh giá chất lượng tài sản hư hỏng hoàn toàn; không còn khả năng phục hồi, chỉ thích hợp cho việc tháo gỡ để lấy lại một số bộ phận còn sử dụng được… là tài sản được đánh giá nhỏ hơn hoặc bằng 30% giá trị là thiết bị cũ đã qua sử dụng.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng thì phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. 

Do đó, để xác định tài sản không còn giá trị sử dụng, cơ quan THADS có thể vận dụng quy định pháp luật nêu trên để thành lập Hội đồng gồm đại diện các cơ quan chuyên môn (liên quan đến tài sản) tại địa phương để xác định tài sản đó còn giá trị sử dụng hay không để có biện pháp xử lý cho phù hợp (đã được hướng dẫn tại Công văn số 3722/TCTHADS-NV1 ngày 4/10/2018).

Bên cạnh đó, vẫn cần nghiên cứu có cần thiết bổ sung quy định để giải quyết những trường hợp nêu trên hay không và theo hướng nào để đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đọc thêm