Lập vi bằng liên quan đến người thân, Thừa phát lại sẽ bị xử lý

(PLO) - Thừa phát lại là chế định dù không còn mới mẻ, xa lạ với nhiều người dân, tuy nhiên hiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn rất thiếu, đặc biệt là các quy định về xử lý vi phạm hành chính.
Lập vi bằng liên quan đến người thân, Thừa phát lại sẽ bị xử lý

Thời gian vừa qua, hoạt động Thừa phát lại đã có những bước phát triển cả về lượng việc cũng như doanh thu. Mặc dù vậy, bên cạnh những Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại tuân thủ đúng quy định của pháp luật cũng đã xuất hiện những hành vi, những dấu hiệu sai phạm trong hoạt động hành nghề của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng như uy tín nghề Thừa phát lại, cần thiết phải được chấn chỉnh, xử lý. Tuy nhiên, pháp luật hiện không có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong tổ chức và hoạt động Thừa phát lại, do đó, việc bổ sung các hành vi vi phạm hành chính trong tổ chức và hoạt động Thừa phát lại và chế tài xử lý vi phạm tương ứng là hết sức cần thiết.

Vì lý do nêu trên, quan điểm của Bộ Tư pháp khi xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP (hiện dự thảo đang được lấy ý kiến thành viên Chính phủ) là rà soát, tổng hợp các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trong tổ chức và hoạt động Thừa phát lại trên cơ sở thực tiễn công tác quản lý nhà nước trong thời gian qua; Quy định các chế tài xử lý vi phạm tương ứng với mức độ của từng hành vi vi phạm đó trên cơ sở tham khảo mức xử phạt, hình thức xử phạt trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác (công chứng, luật sư); Phân chia các hành vi thành 03 nhóm dựa chủ yếu vào chủ thể thực hiện hành vi.

Về nhóm hành vi vi phạm về hồ sơ, thủ tục đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại; hồ sơ đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động, đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề cho Thừa phát lại, đơn cử như hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại; Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị thành lập, hồ sơ đăng ký hoạt động, hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại, đăng ký hành nghề cho Thừa phát lại; Sử dụng giấy tờ giả trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại; Làm giả giấy tờ trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại…

Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về Thừa phát lại, các hành vi bị xử lý như sửa lỗi kỹ thuật vi bằng không đúng quy định; sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu; Không thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm mà không có lý do chính đáng; Không mặc trang phục Thừa phát lại, không đeo Thẻ Thừa phát lại theo quy định; Nhận, đòi hỏi bất kỳ khoản tiền, lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được thỏa thuận, xác định; Đồng thời hành nghề tại hai Văn phòng Thừa phát lại trở lên hoặc kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản ký, thanh lý tài sản; Lập vi bằng liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì....

Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại, các hành vi sẽ bị xử phạt gồm không niêm yết lịch làm việc, thủ tục, chi phí thực hiện công việc, nội quy tiếp người yêu cầu tại trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; Không lập, quản lý, sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu theo quy định; Không chấp hành chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; Không bảo đảm trang phục cho Thừa phát lại của Văn phòng mình theo quy định; Thu chi phí cao hơn mức chi phí đã thỏa thuận với người yêu cầu; Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Thừa phát lại của Văn phòng mình…. 

Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết: Trong giai đoạn thí điểm, cả nước có 53 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính đến hết ngày 30/9/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp 42.911 vi bằng, thu 58 tỷ 828 triệu 768 nghìn đồng. Trong đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, các Văn phòng đã lập 36.838 vi bằng, thu được 44 tỷ 085 triệu 968 ngàn đồng (chiếm 85,84% về số lượng vi bằng của cả nước; 74,93% về tiền); tại 12 tỉnh, thành phố mở rộng thí điểm, các Văn phòng đã lập 6.073 vi bằng, thu được 14 tỷ 742 triệu 800 ngàn đồng. 

Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, các Văn phòng đã lập 77.156 vi bằng với doanh thu 67 tỷ 544 triệu đồng (số lượng vi bằng được lập tăng gần 180%, doanh thu tăng 114% so với cả thời kỳ thực hiện thí điểm). 

Đọc thêm