Lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm

(PLO) - Hôm qua (26/9), với sự phối hợp của Đại sứ quán Ireland, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 tại khu vực phía Bắc. Là một trong những đạo luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật năm 2017 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng với quan điểm lấy người được TGPL làm trung tâm của hoạt động nhân văn này.
Lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm

Nhiều kỳ vọng lớn được gửi gắm 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, Luật TGPL thể hiện bản chất nhân văn, tiến bộ của Nhà nước ta đối với các đối tượng chính sách và thiệt thòi trong xã hội. Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người thuộc diện được TGPL, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL thời gian tới. 

Điểm qua một số điểm mới đáng chú ý của Luật năm 2017, Thứ trưởng Ngọc cho biết, để triển khai Luật có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL, trong đó xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. “Luật TGPL năm 2017 được ban hành với nhiều kỳ vọng lớn mà Quốc hội và Chính phủ đã gửi gắm. Thời gian từ nay đến ngày 1/1/2018 là ngày Luật sẽ có hiệu lực không còn nhiều, việc có đạt được những kỳ vọng đó hay không phụ thuộc nhiều vào mỗi chúng ta trong triển khai thi hành Luật” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bí thư Thứ hai Đại sứ quán Ireland Karen Miller quan niệm, TGPL giữ vai trò rất quan trọng trong giúp đỡ nhóm dễ bị tổn thương, giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ để tăng cường nhận thức về mặt pháp lý và tinh thần tôn trọng luật pháp, đóng góp cho việc giáo dục và phổ biến luật pháp, bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội, ngăn ngừa và kiểm soát xung đột và vi phạm pháp luật. Cho rằng việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật TGPL năm 2017 thể hiện sự quan tâm của Việt Nam đối với việc tiếp cận công lý của những người không có khả năng thuê luật sư hoặc một số đối tượng yếu thế khác, bà Miller tin tưởng Luật mới sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL và đảm bảo quyền TGPL của người dân.

Quyết tâm triển khai hiệu quả những quy định của Luật

Giới thiệu, quán triệt những điểm mới nổi bật của Luật năm 2017, Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh cho biết, đó là Luật đã khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của Nhà nước trong công tác TGPL và có sự phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội; mở rộng diện người được TGPL theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với bản chất của TGPL và điều kiện đặc thù của đất nước. Luật cũng yêu cầu phải tập trung thực hiện vụ việc TGPL theo đúng bản chất của hoạt động TGPL, nâng cao vai trò của Sở Tư pháp thông qua việc ký hợp đồng với các tổ chức tham gia thực hiện TGPL…

Đặc biệt, với quan điểm lấy người được TGPL làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân biết và thực hiện quyền của mình, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong những vụ việc cụ thể, theo bà Minh, Luật năm 2017 đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin. Chẳng hạn như quy định phải công bố danh sách người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình; ngoài hình thức nộp đơn trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, người dân có thể nộp đơn yêu cầu qua hình thức điện tử, fax để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; có thể yêu cầu TGPL thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; thụ lý giải quyết ngay khi người yêu cầu chưa thể cung cấp hồ sơ theo quy định nhưng cần thực hiện TGPL ngay như vụ việc sắp hết thời hiệu, sắp đến ngày xét xử. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương khu vực phía Bắc cùng khẳng định sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện Luật, đồng thời thông tin các hoạt động để sẵn sàng triển khai Luật và chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn Hoàng Thúy Duyên, với việc mở rộng diện người được TGPL của Luật, dự kiến địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân do lực lượng người thực hiện TGPL tại địa phương còn mỏng (chỉ có 6 trợ giúp viên và 7 luật sư cộng tác viên), năng lực còn hạn chế. Vì vậy, bà Duyên đề nghị Bộ Tư pháp, Cục TGPL thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng TGPL, kiến thức pháp luật cho người thực hiện TGPL để nâng cao năng lực thực hiện TGPL.

Trưởng phòng Pháp luật hình sự và cải cách tư pháp (Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp – Bộ Công an) Nguyễn Văn Thịnh cho biết, Luật năm 2017 quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác TGPL. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, người thuộc diện được TGPL chưa hiểu, chưa nhận thức được về quyền được TGPL của mình. Bởi vậy, một trong những giải pháp triển khai Luật tới đây được ông Thịnh đề nghị là tăng cường phối kết hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc thực tế mà Luật chưa tiên liệu.

Đọc thêm