Liêm chính trong hoạt động tư pháp: Trông chờ vào đạo đức người “cầm cân nảy mực”

(PLO) - Nếu hoạt động của thẩm phán không thể độc lập để duy trì sự bình đẳng, sự tôn trọng quyền, lợi ích và quyền tự do định đoạt của các bên tố tụng thì sẽ không có một nền tư pháp đúng nghĩa.
Liêm chính trong hoạt động tư pháp: Trông chờ vào đạo đức người “cầm cân nảy mực”
Đó là nội dung được các chuyên gia trong và ngoài nước đề cập tại Hội thảo “Liêm chính tư pháp – các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật Việt Nam” do Viện Chính sách công và Pháp luật (Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Tổ chức hướng tới minh bạch (TT) tại Việt Nam tổ chức sáng qua (10/10).
Cho độc lập nhưng không đủ bảo đảm
Nghiên cứu Hệ thống liêm chính quốc gia Việt Nam cho thấy, khuôn khổ pháp luật về tính độc lập của tòa án chưa thực sự hoàn chỉnh và độc lập của thẩm phán chưa thực sự được đảm bảo trong thực tế. Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Trưởng Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự cho rằng, tính độc lập của thẩm phán đang bị “bó buộc” ngay từ qui trình tuyển chọn thẩm phán, đánh giá thẩm phán để bổ nhiệm lại, phân công án và cả việc trao đổi án, “thỉnh thị án” cùng những vấn đề trong công tác quản trị tòa án.
TS Vũ Công Giao – Phó Viện trưởng Viện Chính sách công & Pháp luật nhận định, thẩm phán đang ở vị thế yếu, chế độ bổ nhiệm buộc thẩm phán phải có “nhiều cân nhắc”. Khảo sát cho thấy, đa số các thẩm phán được hỏi đều không muốn gắn chỉ tiêu án hủy, án sửa vào điều kiện xem xét bổ nhiệm lại để không chịu sức ép, mặc dù ngành Tòa án coi đây là giải pháp để đảm bảo chất lượng xét xử.  
Như ý kiến của TS Vũ Văn Mạnh – nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước & Pháp luật (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): “Từ việc vợ ông Chấn kêu oan cho chồng suốt 10 năm mà không cơ quan nào “xúc động” cho thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp vẫn đang có vấn đề”, việc chưa có cơ chế độc lập để giải quyết khiếu nại cán bộ tòa án cũng khiến hạn chế tính liêm chính trong hoạt động của thẩm phán.
Và trong khi thẩm phán là người đưa ra phán quyết quyết định sinh mạng chính trị, tài sản của người dân, tổ chức nhưng chưa có qui định cụ thể chế tài với thẩm phán không giải thích hay giải thích không rõ cơ sở pháp lý cho việc ra quyết định. 
“Tình trạng án bị kháng cáo rất nhiều, nhưng tòa án cấp trên xử lại thì theo kiểu “nửa đúng, nửa sai”, mở đường cho khiếu nại, tham nhũng, trong khi đáng lẽ nếu xét xử sai một vụ có thể miễn nhiệm chức danh thẩm phán ngay, mới đảm bảo được sự liêm chính” – TS.Nguyễn Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Trợ giúp pháp lý cho người nghèo nhận định.
“Khép kín” thông tin, khó đạt liêm chính
Từ vai trò của thẩm phán trong việc đảm bảo sự liêm chính của hoạt động tư pháp, nhiều chuyên gia kiến nghị phải bổ sung các qui định về vai trò và trách nhiệm đặc thù của thẩm phán vào Bộ qui tắc đạo ứng xử của ngành Tòa án như một cơ chế đảm bảo sự liêm chính của thẩm phán. “Phải có thiết chế ngăn chặn sự vi phạm của thẩm phán, chứ không chỉ kêu gọi bằng đạo đức” – TS Vũ Văn Mạnh kiến nghị; đồng thời thống nhất nhận định, khi có đủ điều kiện liêm chính từ chính những thẩm phán, Tòa án mới thực hiện được vai trò trung tâm trong hoạt động tố tụng, “điều tiết”, kiểm soát quá trình tranh tụng giữa bên bào chữa, bên buộc tội và triệt để thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội để duy trì công lý.
Cùng với đó, cần sự giám sát như giải pháp để bảo đảm sự liêm chính trong hoạt động của Tòa án nói chung và thẩm phán nói riêng, trong đó có sự giám sát của nhân dân. Song, hiện cơ hội để người dân giám sát hoạt động của tòa án còn hạn chế, do việc tiếp cận hạn chế với các bản án, thông tin của Tòa án. 
Thực tế, bản án và quyết định của Tòa án dù công khai nhưng thực chất chỉ đương sự hay người có liên quan mới có khả năng tiếp cận. Còn các tài liệu khác như hồ sơ vụ án, biên bản phiên tòa, thông tin chi tiết về hoạt động xét xử, bổ nhiệm, cách chức và thuyên chuyển thẩm phán, dữ liệu hoạt động của ngành Tòa án cũng chỉ công khai một phần và dành cho nội bộ, thậm chí mới có TANDTC và 6 Tòa án cấp tỉnh có Cổng thông tin chứ chưa phải toàn ngành Tòa án.
GS.TSKH Đào Trí Úc – Chủ tịch Hội đồng Viện Chính sách công và Pháp luật: “Yếu tố liêm chính của hoạt động tư pháp phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố đạo đức nên cán bộ ngành Tư pháp dứt khoát phải có lương tâm trong sáng, đạo đức nghề nghiệp, nếu không có những yếu tố đó thì không nên hoạt động trong ngành, nhất là đối với thẩm phán, phải là những người “không biết sợ tác động, không bị mua chuộc”. Muốn vậy thì không chỉ giáo dục theo kiểu nói suông mà cần phải có những giải pháp cả về pháp lý, đạo đức và sự giám sát của xã hội”.
TS.LS.Lưu Tiến Dũng -  Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác quốc tế Liên đoàn Luật sư Việt Nam: “Sự độc lập của thẩm phán ảnh hưởng rất nhiều đến tính liêm chính vì chỉ khi độc lập, thẩm phán mới có được sự phán xét đúng, sai chỉ dựa trên qui định pháp luật và niềm tin nội tâm. Thực tế vẫn tồn tại việc “báo cáo án” (trước đây là “thỉnh thị án”), các thẩm phán chịu sự ảnh hưởng của Chánh án hay Phó Chánh án và văn hóa “chạy chọt” đang lũng đoạn nền tư pháp thì khó đảm bảo liêm chính. Nhưng quan trọng là nếu cho độc lập mà không giám sát, giải trình thì dễ dẫn đến lạm dụng quyền lực nên phải có cơ chế kiểm soát quyền lực tư pháp ở tầm vĩ mô, cuối cùng là giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp”.

Đọc thêm