Lo ngại nợ đọng văn bản

(PLO) - Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, thời gian qua các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, số lượng văn bản nợ đọng đã giảm xuống còn 20 văn bản, giảm 63 văn bản so với tháng 01/2014. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tháng 11/2014, nhiệm vụ tháng 12/2014 vừa được Bộ Tư pháp gửi Chính phủ, trong tháng 11/2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 120 văn bản quy định chi tiết, tuy nhiên, đến hết tháng 11 vẫn còn tới 90% văn bản trong số này bị liệt vào diện nợ đọng. 
Nợ tháng nọ chuyển tiếp tháng kia
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong tháng 10/2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 128 văn bản quy định chi tiết (gồm 47 nghị định, 05 quyết định, 61 thông tư, 15 thông tư liên tịch). 
Đến hết tháng 10, đối với 29 văn bản quy định chi tiết 15 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ ban hành 07 văn bản, giải quyết được 7/29 văn bản nợ, đạt 24,14%, nợ chưa ban hành là 22 văn bản, chiếm 75,86%.  
Đối với 99 văn bản (34 nghị định, 05 quyết định, 48 thông tư và 12 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/01/2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ ban hành được 01 văn bản (Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014). 
Riêng 39 nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ (theo kế hoạch phải trình trước 15/10/2014), các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã trình Chính phủ 07 nghị định; còn 32 nghị định, quyết định chưa trình và hiện đã trong tình trạng “nợ trình”. 
Sang tháng 11/2014, thống kê cho thấy các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 120 văn bản quy định chi tiết (42 nghị định, 05 quyết định, 59 thông tư, 14 thông tư liên tịch). 
Tuy nhiên, đến hết tháng 11, đối với 22 văn bản quy định chi tiết 14 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ mới ban hành được 02 văn bản (01 nghị định, 01 thông tư), giải quyết được 02/22 văn bản nợ, đạt 9,09%; nợ chưa ban hành 20 văn bản, chiếm 90,91%.  
Đối với 98 văn bản quy định chi tiết 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ mới trình Chính phủ ban hành được 03 nghị định và ban hành theo thẩm quyền được 04 thông tư, còn lại 91 văn bản chưa ban hành. Riêng đối với 36 nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phải trình trước ngày 15/10/2014 thì vẫn còn 16/36 văn bản chưa được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Tư pháp, trong tháng 12/2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ chỉnh lý, hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 20 văn bản nợ ban hành; tiếp tục nghiên cứu soạn thảo, chỉnh lý để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 91 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015; chủ động rà soát và phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp trong việc rà soát 18 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để xác định đầy đủ các nội dung được giao, lập dự kiến danh mục văn bản, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo. Khối lượng công việc khổng lồ của tháng 12 này dự báo trước một kết quả “nợ đọng” không mấy khả quan hơn so với các tháng trước đó trong năm.
Nguyên nhân do quá tải?
Tại sao tình hình nợ đọng văn bản được chấn chỉnh quyết liệt, thường xuyên nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan? Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, thời gian qua các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, số lượng văn bản nợ đọng đã giảm xuống còn 20 văn bản, giảm 63 văn bản so với tháng 01/2014. 
Một số văn bản quy định chi tiết Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa cũng đã được ban hành kịp thời để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật (ngày 01/01/2015). 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số tồn tại, hạn chế như vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản, xin lùi thời hạn trình, ban hành văn bản. 
Báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Chính phủ khẳng định: “Nguyên nhân chủ yếu là do các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản, nhiều nội dung giao quy định chi tiết là khó, phức tạp cần có nhiều thời gian, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn”. 
Trước sự quá tải này, Bộ Tư pháp đã đề nghị các Bộ trong thời gian tới phải xây dựng, ban hành nhiều văn bản cần ưu tiên, tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành văn bản, đồng thời tăng cường sự phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành, hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng văn bản. Tuy nhiên, về lâu dài, phải có giải pháp triệt để cho tình hình nợ đọng văn bản, tránh tình trạng “luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư” nên luật mãi treo “lơ lửng”, không đi vào thực tế cuộc sống. 
* Tự kiểm tra không phát hiện văn bản nào sai
Theo báo cáo của 16 Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong tháng 11/2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã kiểm tra 260 văn bản, trong đó tự kiểm tra 78 văn bản và kiểm tra theo thẩm quyền 182 văn bản. Qua kiểm tra, bước đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa phát hiện văn bản nào có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP.
* Bộ Tư pháp phát hiện một loạt văn bản sai phạm
Trong tháng 11/2014, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 211 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 43 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 168 văn bản của địa phương). Qua kiểm tra, bước đầu Bộ Tư pháp đã phát hiện 66 văn bản (02 văn bản của cấp Bộ, 64 văn bản của địa phương) có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản, trong đó có 05 văn bản sai nội dung, hình thức và 17 văn bản sai về hiệu lực, căn cứ pháp lý, còn lại 44 văn bản sai về thể thức. Trong số 05 văn bản có dấu hiệu sai về nội dung, hình thức có 01 văn bản của cơ quan cấp Bộ và 04 văn bản của địa phương. 

Đọc thêm