“Lời hứa” của Bộ Tư pháp có kết quả rõ rệt

(PLO) - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, theo đánh giá của một số ĐBQH trước thềm phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10, những “lời hứa” của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đều có kết quả rõ rệt và mong Bộ Tư pháp sẽ “sử dụng trách nhiệm này ngày càng rõ nét hơn”.
Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức thành công Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp 2013. (Trong ảnh: Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trao giải cho các cá nhân đạt giải Nhất)
Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức thành công Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp 2013. (Trong ảnh: Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trao giải cho các cá nhân đạt giải Nhất)
Hôm nay (16/11), cùng với các Bộ trưởng, trưởng ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII.
Hệ thống pháp luật, thể chế phải được đột phá

Tuy chỉ đăng đàn trả lời chất vấn QH một lần trong nhiệm kỳ QH khóa 13 song phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại kỳ họp thứ 7 đã nhận được sự quan tâm của ĐBQH và cử tri cả nước vì liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật để triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp 2013, nhất là khi “hệ thống pháp luật nước ta đang phức tạp nhất thế giới” như nhận xét của chính người đứng đầu cơ quan tham mưu, “gác cổng” cho Chính  phủ về công tác xây dựng pháp luật này.

Kết luận phiên chất vấn này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hệ thống pháp luật, thể chế mặc dù đã có nhiều công sức xây dựng, cả về số và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước thời gian qua nhưng trong giai đoạn hội nhập quốc tế, tình hình đất nước hiện nay thì thấy hệ thống pháp luật, thể chế là vấn đề phải được đột phá.

QH đã đặt ra yêu cầu và mục tiêu tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật, nền hành chính, thủ tục hành chính (TTHC) theo tinh thần Hiến pháp 2013 để hệ thống pháp luật, nền hành chính, TTHC đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch, rõ ràng về thẩm quyền của Nhà nước, thẩm quyền của nhân dân. Qua đó đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân một cách công khai, minh bạch, thực hiện NNPQ, có sự phân công, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, vì quyền lợi của nhân dân, phục vụ nhân dân.

“Các văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới được xem xét trên tinh thần đó, giảm tối đa TTHC và quy định chặt chẽ, minh bạch. Qua chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã nhận ra những vấn đề của thể chế, hệ thống pháp luật để tiếp tục tổ chức thực hiện thành công đột phá này” – Chủ tịch QH nhận xét.

Trên cơ sở đó, QH đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn giao Chính phủ, cụ thể là Bộ Tư pháp triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp.

Theo đó, tập trung rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, xác định các quy định trái Hiến pháp để đình chỉ thi hành, các quy định cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để cụ thể hóa Hiến pháp; đôn đốc việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp phục vụ triển khai thi hành Hiến pháp trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, thông qua trong các năm 2014 và 2015, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thi hành Hiến pháp.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc thẩm định, kiểm tra quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, giảm số văn bản nợ đọng; nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý sai phạm.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp, pháp luật bằng nhiều hình thức; nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống.

Nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội dự án Luật ban hành VBQPPL (hợp nhất); đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành và tổ chức hướng dẫn, triển khai thi hành pháp luật.

Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8; bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tạo chuyển biến tích cực trong công tác này; kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ trong công tác thi hành án dân sự.

Giúp QH xây dựng được các VBQPPL có tính thực tiễn, tính khả thi cao

ĐB Nguyễn Tiến Sinh – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhận xét, kết quả thực hiện Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của QH  khóa XIII trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp, nhất là công tác thẩm định, rà soát, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện VBQPPL đã “chất lượng hơn, góp phần giúp QH xây dựng được các VBQPPL có tính thực tiễn, tính khả thi cao”.

Với tư cách là cơ quan “gác cổng”, điều phối, với sự phối hợp của Bộ chuyên ngành, Bộ Tư pháp và cá nhân Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã triển khai tốt công tác xây dựng VBQPPL thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Cùng với công tác giám sát VBQPPL, Bộ Tư pháp đã kịp thời có ý kiến, phối hợp các Bộ, ngành để xử lý xung đột VBQPPL, làm tốt công tác “tiền kiểm, hậu kiểm” các VBQPPL, giúp cho hệ thống VBQPPL có tính khả thi cao, giá trị kéo dài.

Tuy nhiên, một trong những lời hứa của Bộ Tư pháp còn “nợ” QH, cử tri là khắc phục tình trạng nợ đọng VBQPPL thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Báo cáo của Chính phủ đã ghi nhận, thời gian qua, nhờ chỉ đạo quyết liệt, số VBQPPL mà Chính phủ “nợ” đã giảm rất nhiều. ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng nhận thấy, “Bộ Tư pháp đã có nhiều cố gắng, giúp Chính phủ khắc phục được dần tình trạng nợ VB hướng dẫn luật”. 

Dù rất thông cảm với cái khó của Chính phủ nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng vì giảm nợ đọng VB không thể ngay trong “ngày một, ngày hai” vì QH ban hành nhiều luật, có nhiều quy định giao Chính phủ hướng dẫn, việc ban hành VBQPPL phải theo trình tự, quy trình nên “nợ cũ chưa xong đã có nợ mới”, ĐBQH vẫn mong Bộ Tư pháp, vừa là cơ quan quản lý Nhà nước vừa tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng VBQPPL, sẽ “tiếp tục quyết tâm khắc phục tình trạng nợ VB hướng dẫn để các luật của QH sớm ra cuộc sống vì những vấn đề QH quyết đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn” – ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) chia sẻ.

Đồng thời, ĐB Nguyễn Thanh Hồng nhắc nhở, khi trình dự án Luật, Bộ Tư pháp phải biết cần bao nhiêu VB hướng dẫn để chuẩn bị hoặc yêu cầu các cơ quan soạn thảo dự án Luật chuẩn bị các dự thảo nên thời gian tới “Bộ Tư pháp phải sử dụng trách nhiệm này ngày càng rõ nét hơn, góp phần cải cách hành chính, tránh tình trạng nợ VB hướng dẫn, VB nhiều, chồng chéo, thậm chí VB đã hết hiệu lực mà chưa có VB thay thế”./.

Đọc thêm