Luật sư Nguyễn Mạnh Tường thuyết trình về luật pháp với Chủ tịch Hồ Chí Minh

(PLVN) - Năm 1952, khi tham dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua lần đầu tiên tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh về luật pháp. Ông đã bày tỏ thẳng thắn những ý kiến của mình với người đứng đầu Đảng và Nhà nước hết sức trách nhiệm. 

Cuộc nói chuyện về luật pháp giữa Luật sư Nguyễn Mạnh Tường và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được luật sư ghi lại trong hồi ký bằng tiếng Pháp và một học trò của ông là Nguyễn Bá Bảo – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Austraylia & Newdelan dịch ra tiếng Việt. Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), Báo Pháp luật Việt Nam xin giới thiệu một phần nội dung cuộc trò chuyện này. 

***

Bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng Luật sư Nguyễn Mạnh Tường – Tư liệu gia đình
Bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng Luật sư Nguyễn Mạnh Tường – Tư liệu gia đình

 Anh hùng giữa đời thường

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: Đại hội đã gây cho ông cảm tưởng gì? Ông trả lời:

 “Thưa Chủ tịch, một cảm tưởng mà tôi buộc phải coi là cực kỳ đặc biệt. Làm sao tôi có thể tưởng tượng cây Người có thể sản sinh ra những bông hoa tuyệt mỹ như vậy? Làm sao con người bằng xương, bằng thịt có thể đạt tới đỉnh cao như vậy của chủ nghĩa anh hùng và lòng cao thượng?”.

Ông nhớ đến thời thơ ấu đã say sưa đọc trong sách lịch sử những chiến thắng của các anh hùng dân tộc ta đã giành được trong sự nghiệp chống xâm lược ngoại bang. Lớn lên, học lịch sử Hy Lạp cổ đại, ông rất chú ý tới tên những anh hùng được ca tụng: Marathon và Salamine...

Những người anh hùng tưởng như chỉ có trong huyền thoại thời xưa thì nay đã xuất hiện xung quanh ông. Đó là nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên, anh hùng Trần Đại Nghĩa, anh hùng Ngô Gia Khảm, anh hùng La Văn Cầu, anh hùng Nguyễn Quốc Trị… Ông chú ý nghe chiến công của họ với bao niềm cảm phục.

“Hồ Chủ tịch nghe tôi nói, con mắt mơ màng phóng ra đằng xa, rồi Người nhìn thẳng vào tôi với khóe nhìn lóng lánh niềm vui và tay vuốt bộ râu cằm.

Người hỏi tôi một câu:

- Con đường mà chú đã trải qua để đi tới kết luận như hiện nay quả là khó khăn và tôi ca ngợi sự thành thật của chú. Con đường đi tới một chân lý càng khó thì khi đi tới chân lý đó, người ta càng tin tưởng. Đối với những người anh hùng mà chú ngưỡng mộ và là người đã thổi vào tâm trí chú niềm tin vào chiến thắng cuối cùng, chú có thấy gì đặc biệt ở họ?

- Thưa Chủ tịch, đó là nguồn gốc nông thôn của họ. Từ trước cuộc kháng chiến này, tôi sống ở chốn thị thành. Giờ tôi thấy xấu hổ thừa nhận rằng tôi chẳng biết tí gì về vùng nông thôn và về người nông dân. Chút hiểu biết về nông thôn và nông dân tôi từng thu nhận được chỉ là sách vở và méo mó.

Chính ở chiến khu, hành nghề luật sư và đi khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, tôi đã được sống trong môi trường nông thôn, được tiếp xúc với người nông dân và được hiểu họ. Thời gian đó bù đắp lại những chỗ hổng, sửa chữa những sai lầm và thành kiến của tôi. Nó đưa lại cho bản thân tôi một hình ảnh trực diện, đầy đủ và đúng đắn về dân tộc mà tôi tự hào là thành viên thuộc dân tộc đó.

Mới gần đây thôi, hình ảnh nhân dân mà các tình huống trong cuộc sống đặt ra trước mắt tôi đã bị cắt xén, gây tổn thương, què quặt. Tầm nhìn của giai cấp tiểu tư sản hạn chế con mắt tôi. Tôi không thấy rõ sức mạnh vô biên của quần chúng nhân dân.

Bây giờ cái nhìn của tôi về Tổ quốc và những người con của Tổ quốc đã được hoàn toàn thiết lập lại trong thực tế đầy đủ của nó. Một sự cân đối đã được hình thành trong tâm trí tôi, đem lại cho tôi những thú vui mới mà tôi chưa hề biết tới và đó là những cảm xúc vô giá.

Nhưng thưa Chủ tịch, tôi phải thú nhận với Chủ tịch rằng những người nông dân này mà tôi quý mến rất đức độ và bỏ qua những thiếu sót, tôi không thể tưởng tượng sao họ có thể nâng cao khả năng đến mức thực hiện được những chiến công như chúng ta đã biết. Vậy mà những hiện tượng phi thường đó đã diễn ra và tôi hoàn toàn ngạc nhiên.

Tôi xin gửi đến Chủ tịch và Đảng của Người lòng tôn kính đã có khả năng nhóm lên ngọn lửa yêu nước của nông dân mà cả nước đang chờ mong những kết quả kỳ diệu”.

Hồ Chủ tịch nói:

- Tôi sung sướng được nghe ý kiến của chú. Bây giờ, theo chú nên hướng chính sách của ta như thế nào?

- Đó là một vấn đề cực kỳ tế nhị, tôi sẽ chỉ dám đề cập đến vấn đề đó, nếu được Chủ tịch cho được hoàn toàn tự do tin tưởng.

Về nội dung, tôi có nhiều ý kiến theo hướng của Chủ tịch, nhưng có những điểm quan trọng tôi cầu mong Người có những quan điểm mới. Chúng ta cùng một điểm xuất phát: Quần chúng lao động bao gồm nông dân, công nhân, trí thức, cấu thành hầu hết dân số nước ta. Tất cả mọi chính sách không tính đến sự thật quá rõ ràng đó, chắc chắn sẽ thất bại ngay từ đầu.

Lợi ích của nhân dân lao động phải là mối quan tâm thường xuyên của chúng ta. Mà họ không đòi hỏi cái không hề có, họ chỉ mong muốn được thỏa mãn ở mức tối thiểu những nhu cầu của một con người văn minh, nhu cầu về cơ thể, về trái tim, về khối óc và tất nhiên nhờ lao động chân tay hay trí óc của họ. Họ chỉ chờ đợi ở công quyền được phép sống một cuộc sống của con người.

Việc làm để họ có thể cuộc sống của con người, phải được đề cập tới trên hai phương diện. Việc làm đó phải là việc làm tự do, không cưỡng bức. Chỉ có việc làm tự do mới đem lại hiệu quả cho người lao động và xã hội. Ngoài ra, người ta lao động không phải để chơi, mà phải có lợi. Lợi đó là quyền được hưởng thụ thành quả lao động của mình.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 1997) – Tư liệu gia đình
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 1997) – Tư liệu gia đình 

Tôn trọng luật pháp

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, trong lĩnh vực công cộng, cơ chế Nhà nước phải tôn trọng những nguyên tắc khác để bảo đảm việc thực thi tốt chức năng của Nhà nước. Một trong số đó là tôn trọng luật pháp. Ông phân tích:

“Một sự lẫn lộn tai hại đang diễn ra giữa quyền lực và quyền. Tất cả các cơ quan từ cấp phường xã đến cấp trung ương đều tưởng mình có quyền làm tất cả, nhất là xâm phạm quyền tự do của công dân và có quyền sử dụng những khoản tiền khổng lồ của công quỹ.

Tôi không nói những vi phạm luật pháp khác mà tính chất phạm pháp rất rõ nét. Ở đó, những sự phản kháng là vô tội không được chú ý nghe như trong các trường hợp ranh giới giữa quyền lực và quyền không rõ ràng. Vì vậy, nguyên tắc chung cần phải công bố là tất cả mọi người, kể cả những người có một chút quyền lực, đều phải tuân theo luật pháp. Đó là ý nguyện của nhân dân và là công cụ giữ gìn trật tự công cộng.

Nguyên tắc đó bao giờ cũng phải kèm theo hậu quả tất yếu của nó là: Tất cả mọi vi phạm pháp luật phải dẫn tới trách nhiệm không chỉ chính trị (khai trừ khỏi Đảng), hành chính (cắt chức, hạ chức, cho về hưu), mà còn cả hình sự (tịch thu, tiền phạt, án tù).

Phải quyết định trách nhiệm bao giờ cũng là cá nhân, vì trách nhiệm tập thể là vô nghĩa. Mọi quyết định đều mang một chữ ký, người ký tên chính là người sẽ phải đưa ra xét xử. Để kết tội những người chịu trách nhiệm và áp dụng luật hình sự đối với họ, nhất thiết cơ chế quan tòa phải được toàn quyền tự do và độc lập đối với cấp trên trong hệ thống quan tòa và Đảng.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường và đồng nghiệp tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Quốc tế (1956) – Tư liệu gia đình
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường và đồng nghiệp tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Quốc tế (1956) – Tư liệu gia đình 

Bản lĩnh tự chủ 

“Suốt buổi thuyết trình của tôi, Người không tỏ một sự phản ứng nào, hoặc tán thành, hoặc không tán thành. Có lẽ Người muốn cân nhắc sự suy xét, chọn lọc cái hay và cái dở, giữ một thái độ trung lập và khách quan. Đó là một thái độ cẩn thận và kín đáo, để phân tích tốt hơn nội dung những lời tôi nói, để thấu hiểu ý nghĩa đã diễn tả rõ ràng và cả những ẩn ý trong từng câu, từng chữ.

Trước mặt tôi là một nhân vật quan trọng hiểu rõ giá trị một cử chỉ, một ý định, trên cương vị một lãnh tụ, chịu trách nhiệm về số phận cả một dân tộc. Vì vậy, Người không thể tự cho phép mình, qua một giọng nói nào, một nét mặt nào, một động thái nào của con mắt hoặc bàn tay, biểu thị một dấu hiệu vội vã, nhẹ dạ, tự phát, thiếu suy nghĩ, không tự kiềm chế được và bật ra từ bề sâu tình cảm.

Nhân vật đó giữ được tự chủ một cách tuyệt vời và có một bản lĩnh hoàn hảo!”.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) sinh tại Hà Nội. Ông lập kỷ lục bảo vệ thành công 2 bản luận án Tiến sĩ Văn chương và Tiến sĩ Luật trong một năm (1932) tại Pháp đến nay chưa có ai phá được. Ông tham gia giảng dạy tại các Trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi Viện Khoa học Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho đến khi nghỉ hưu năm 1970. 

Năm 1946, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Phái đoàn đàm phán Việt – Pháp tại Hội nghị Đà Lạt. Hồ Chủ tịch đã ký tặng luật sư một bức ảnh chân dung để bày tỏ sự tín nhiệm với ông. Tại Hội nghị, với vai trò Trưởng ban Văn hóa, bằng những ý kiến hùng biện của mình, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường gần như trở thành một ngôi sao thu hút sự chú ý của phái đoàn Pháp.

Đọc thêm