Mang Luật Hôn nhân Gia đình Việt Nam đi “rung” ở Hoa Kỳ

(PLO) - Tranh tụng bằng Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam tại... Tòa án Hoa Kỳ - đó là tiêu đề đủ sức hấp dẫn bất kỳ bạn đọc nào, nhất là người làm trong lĩnh vực luật pháp. Và, câu chuyện không đơn thuần dừng lại ở thông tin “nóng” như vậy, bởi từ đó mở ra rất nhiều nghĩ suy về vấn đề xây dựng pháp luật…
LS Hương Thủy trước tòa án Hoa Kỳ năm 2003
LS Hương Thủy trước tòa án Hoa Kỳ năm 2003
Một buổi sáng của năm 2003, tiếng chuông điện thoại reo vang trong Văn phòng Luật sư Hoàng Long ở Hà Nội. Tiếp chuyện với Tiến sĩ – Luật sư Phan Thị Hương Thủy – Trưởng Văn phòng qua ống nghe là giọng một người đàn ông nói tiếng Việt lơ lớ. Qua câu chuyện của người đàn ông, Luật sư Phan Thị Hương Thủy hiểu rằng mình đang đứng trước một yêu cầu mà xưa nay chưa từng có tiền lệ. Hay nói cách khác, trong lịch sử hành nghề của luật sư Việt Nam, chưa bao giờ có một luật sư nào nhận được một yêu cầu như thế.
Chuyện là, Tòa Thượng thẩm California, Hoa Kỳ xét xử vụ án ly hôn giữa hai người Mỹ có quốc tịch gốc Việt Nam. Bên nguyên đơn - người vợ khẳng định  rằng hai người đã làm thủ tục kết hôn tại Việt Nam từ tháng 6/1978. Còn bên bị đơn - người chồng phủ nhận việc kết hôn, cho rằng hai người chỉ sống chung, có con cùng tài sản chung. 
Để tìm kiếm các chứng cứ bảo vệ cho quan điểm của mình, người chồng và người vợ - bị đơn và nguyên đơn đã về Việt Nam. Kết quả của cuộc tìm kiếm đó là người vợ - bên nguyên đơn cung cấp cho tòa án Hoa Kỳ bản sao giấy công nhận kết hôn vào thời điểm tháng 6/1978 tại UBND quận 5, TP HCM và nhận thực sao y bản chính giấy hôn thú này vào ngày 8/2/1982. Người chồng – bên bị đơn cũng cung cấp văn bản xác nhận, cũng của UBND quận 5, là không có lưu trữ gì về việc kết hôn giữa hai người.
Tuy nhiên, Tòa án phía Hoa Kỳ  không thể đưa ra quyết định cho bên nào. Bởi, tuy vụ kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án Hoa Kỳ, nhưng lại liên quan đến luật Việt Nam. Mà theo luật của bang California, nếu trong vụ kiện về hôn nhân, có bên đương sự dựa vào chứng cứ về hôn nhân theo luật nước ngoài, hoặc luật của các bang khác, thì họ phải chứng minh việc áp dụng luật liên quan đến chứng cứ đó. Hay nói cách khác, những tình tiết của vụ kiện cho thấy để có thể giải quyết được, nhất thiết phải xem xét luật Việt Nam mà cụ thể là Luật HN-GĐ nhằm chứng minh cho chứng cứ của nguyên đơn và bị đơn. Để từ đó, dựa trên những xem xét này, tòa án Mỹ sẽ lấy đó làm căn cứ để xác định có hay không có hôn nhân giữa hai bên. 
Muốn đáp ứng được yêu cầu xem xét luật Việt Nam, theo luật pháp Hoa Kỳ thì phải thông qua WE (witness expert - chuyên gia làm chứng) để thực hiện bản tư vấn bằng cách trả lời các câu hỏi mà Luật sư phía Hoa Kỳ đưa ra, đồng thời nhận xét tài liệu chứng cứ do bên nguyên xuất trình trên cơ sở đối chiếu với Luật HN-GĐ Việt Nam . Theo quy định của Hoa Kỳ, người được chọn là chuyên gia làm chứng phải đáp ứng các yêu cầu: là Luật sư, có học hàm học vị cao, có kinh nghiệm làm nhiều vụ án…
Đây là một trong những lý do giải thích lý do của cuộc điện thoại của người chồng – bên bị đơn tới Văn phòng Luật sư Hoàng Long cho Tiến sĩ, Luật sư Phan Thị Hương Thủy
Sau khi chấp nhận yêu cầu bên bị đơn để làm chuyên gia làm chứng, Luật sư Phan Thị Hương Thủy đã bắt đầu các cuộc trao đổi liên tục qua thư điện tử và điện thoại với  luật sư phía Hoa Kỳ của bị đơn - Văn phòng luật sư Y. Jessie Shaw tại bang California. 
Theo yêu cầu của Luật sư Hoa Kỳ, Luật sư Hương Thủy đã thực hiện bản tư vấn bằng cách trả lời các câu hỏi mà Luật sư Hoa Kỳ đưa ra, đồng thời nhận xét tài liệu chứng cứ do bên nguyên xuất trình trên cơ sở đối chiếu với Luật HN-GĐ Việt Nam. Cũng cần phải nói thêm rằng, vào thời điểm xảy ra vụ việc, năm 1978 Luật HN-GĐ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành vào năm 1959 đã được áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, phiên tòa tại Hoa Kỳ diễn ra vào ngày 1/12/2003 quyết định áp dụng Luật HN-GĐ năm 1959. 
Sau nhiều nỗ lực giữa hai bên, bản tư vấn của Luật sư Phan Thị Hương Thủy đã hoàn thành. Tuy nhiên, lúc này khó khăn khác lại nảy sinh khi theo yêu cầu của luật chứng cứ bang Caliornia bản tư vấn phải được chứng thực theo nguyên tắc lãnh sự. Trong khi đó, cơ quan lãnh sự phía Việt Nam lại từ chối chứng thực bản tư vấn này với lý do.. chưa từng có yêu cầu tiền lệ. 
Tiến sĩ – Luật sư Phan Thị Hương Thủy
Tiến sĩ – Luật sư Phan Thị Hương Thủy
“Gần đến ngày xét xử, tôi thông báo là chưa chứng thực lãnh sự được bản tư vấn. Trở ngại này khiến tôi lần lượt lỡ các phiên tòa xét xử ngày 2/10/2003, 29/10/2003 và 20/11/2003. Các Luật sư phía Hoa Kỳ đành đề nghị tòa án lấy lời chứng trực tiếp của tôi từ Việt Nam qua điện thoại. Biết là rất nhiêu khê, thậm chí hy hữu (vì theo quy định của pháp luật tố tụng thì đương sự và những người tham gia phiên tòa phải có mặt tại tòa chứ không thể lấy lời khai qua điện thoại được),nhưng không sao khắc phục được khó khăn về thủ tục giấy tờ nên tôi đành nhận lời” – Luật sư Phan Thị Hương Thủy kể lại.
Luật sư phía Hoa Kỳ cho biết, tòa án yêu cầu Luật sư Phan Thị Hương Thủy chuẩn bị để đưa lời chứng qua điện thoại. Phạm vi lời chứng liên quan đến Luật HN-GĐ của Việt Nam và thời gian cung cấp lời chứng trong khoảng 1 tiếng. Tuy nhiên, cuộc làm chứng qua điện thoại xuyên đại dương này đã không thành công vì mỗi bên sử dụng một ngôn ngữ khác nhau, cần thông qua phiên dịch, rồi không có căn cứ nào xác minh người đầu máy phía Việt Nam chính là người được đề nghị làm chuyên gia làm chứng… Nên cuối cùng, phía Luật sư bên bị ở Hoa Kỳ đã quyết định đề nghị tòa án triệu tập Luật sư Phan Thị Hương Thủy sang Mỹ tham gia phiên tòa để cung cấp lời chứng ngay tại tòa. Đây là lần đầu tiên một luật sư Việt Nam nhận được đề nghị triệu tập kiểu này.
Nhưng, khó khăn có vẻ vẫn chưa buông tha. Khi làm thủ tục xin thị thực tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, chính bản thân người Hoa Kỳ cũng không hiểu tại sao tòa án nước mình lại cần tới luật sư Việt Nam. Thị thực chỉ được cấp sau cú điện thoại từ Văn phòng luật sư Y. Jessie Shaw cho nhân viên sứ quán. 
“Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt của nhân viên hải quan Hoa Kỳ khi tôi khai lý do nhập cảnh, đơn giản chỉ vì… lạ quá. Tại tòa, tôi lại tiếp tục gặp ánh mắt lạ đó khi dẫn nguồn từ cuốn sách luật mình mang theo. Hóa ở đây, sách luật chỉ được xuất bản thông qua một vài đơn vị do Chính phủ cấp phép, để đảm bảo nguồn gốc và tính chính xác, trong khi mình, nhà nhà xuất bản sách luật. Có sách luật mà không được dùng vì không chứng minh được nguồn tin cậy, nên ngay trên đất Hoa Kỳ tôi phải lọ mọ vào trang điện tử của Quốc hội Việt Nam để đi tìm văn bản” – Luật sư Phan Thị Hương Thủy kể lại…
… Phiên tòa với sự phá lệ ấn tượng là cho phép triệu tập chuyên gia làm chứng từ Việt Nam sang cuối cùng cũng kết thúc. Nhiệm vụ nặng nề của Luật sư Phan Thị Hương Thủy hoàn thành. Cảm xúc lúc đó của bà Thủy là rất mệt nhưng vui vì đồng nghiệp Hoa Kỳ nói rằng đây là vụ kiện đầu tiên giải quyết tại tòa Hoa Kỳ, theo luật tố tụng của Hoa Kỳ nhưng luật nội dung lại theo luật của Việt Nam, chuyên gia làm chứng là Luật sư Việt Nam. Và bà Thủy là Luật sư đầu tiên được tham gia phiên tòa tại Hoa Kỳ, đồng thời cũng là chuyên gia làm chứng - WE người Việt Nam đầu tiên tại tòa án Hoa Kỳ. 

Đọc thêm