“Mang thai hộ” chính thức được “cấp phép”

(PLO) - Chiều nay, QH đã thống nhất thông qua Dự án sửa đổi, bổ xung Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo luật mới, vấn đề mang thai hộ chính thức được pháp luật cho phép. 
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Mang thai hộ là vấn đề có rất nhiều ý kiến trái chiều tại các phiên thảo luận của QH, cũng như thu hút sự quan tâm của dư luận. Chính vì thế, cùng với việc thảo luận tại hội trường và tại tổ, UBTVQH đã phải gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả có 59,1% (237/401) đại biểu tán thành với việc quy định vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), 39,9% (160/401) đại biểu không tán thành bổ sung quy định này. Tại hội trường hôm nay, biểu quyết về điều kiện mang thai hộ, có 433 ĐB tham gia, trong đó, có  297 ĐB  tán thành (59,65%), 126 ĐB không tán thành (25,3%)  số ĐB còn lại không bỏ phiếu. 
Theo giải trình của UBTVQH, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đa số đại biểu về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, quy định cụ thể điều kiện, nội dung thỏa thuận, quyền, nghĩa vụ các bên chặt chẽ để ngăn ngừa việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. 
Luật Hôn nhân và Gia đình vừa được QH thông qua quy định:  BNgười mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.  Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.
Về điều kiện, người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng để ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ. Độ tuổi của người mang thai hộ sẽ được Chính phủ quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng
Đối với người nhờ mang thai hộ, phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của người mang thai hộ theo quy định của Bộ Y tế.  
Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Ngoài vấn đề mang thai hộ, một trong những "điểm nóng" cử tri chờ đợi thông tin từ Luật mới là vấn đề độ tuổi kết hôn. Tiếp thu ý kiến ĐB, Ban soạn thảo đã bổ sung từ “đủ” đối với quy định độ tuổi của cả nam và nữ để bảo đảm sự thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo đó,  Điểm a, Khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật về tuổi kết hôn được sửa đổi như sau: “Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên”. 
Liên quan đến vấn đề chung sống của những người đồng giới, giải trình tại QH, UBTVQH  khẳng định việc chung sống của những người cùng giới tính không phải là vấn đề hôn nhân, bởi tại Khoản 2 Điều 8 về điều kiện kết hôn đã quy định rõ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nên quan hệ chung sống này không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. 

Đọc thêm