Mô hình Tủ sách pháp luật điện tử: Tạo kho tài liệu pháp luật để sử dụng chung

(PLO) - Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, văn hóa đọc bị suy giảm, sự thay đổi nhu cầu tìm hiểu pháp luật thông qua Tủ sách pháp luật (TSPL) thì mô hình TSPL hiện nay theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg đã bộc lộ một số bất cập. 
Tủ sách pháp luật truyền thống đang giảm sức hút
Tủ sách pháp luật truyền thống đang giảm sức hút

Vì vậy, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 06, trong đó sẽ có nhiều hướng dẫn về xây dựng TSPL điện tử.  

TSPL truyền thống đang giảm sức thu hút người đọc

Ngày 25/1/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL (Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg). Đến nay, cả nước đã có 11.660 TSPL xã, phường, thị trấn (TSPL cấp xã)/11.162 đơn vị cấp xã trên toàn quốc.

Qua tổng kết thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg cho thấy, TSPL đã góp phần đa dạng hóa thiết chế văn hóa - thông tin tại cơ sở, cơ quan, đơn vị; phục vụ công tác chuyên môn, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ theo pháp luật của chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức; góp phần bảo đảm quyền được thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật của nhân dân.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quyết định 06 đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, quy định về xây dựng, duy trì TSPL tại tất cả các đơn vị cấp xã, cơ quan, đơn vị trên toàn quốc không còn phù hợp trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, nhiều đơn vị cấp xã đã được trang bị máy tính, kết nối mạng internet để khai thác, tra cứu văn bản, tài liệu.

Trên thực tế, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã đánh giá TSPL truyền thống (có sách, tài liệu dưới dạng giấy) tại cấp xã, cơ quan, đơn vị thu hút rất ít người đến đọc, mượn (có 23/63 tỉnh, thành phố có số lượt người đến đọc, mượn sách trung bình hàng năm dưới 100 lượt người/năm). 

Bên cạnh đó, quy định TSPL phải có công báo in trong khi hiện nay công báo điện tử đã được đăng tải công khai, thuận tiện khai thác, tra cứu và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định công báo in chỉ được cấp phát miễn phí cho đơn vị cấp xã theo nhu cầu đăng ký, do đó việc lưu giữ, khai thác Công báo in trong TSPL theo hướng bắt buộc như Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg không còn cần thiết như trước đây. 

Đáng chú ý, việc tổ chức thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ (cấp tỉnh) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao; còn thiếu sự phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở dẫn đến việc khai thác, sử dụng sách, tài liệu pháp luật hiệu quả chưa cao; chất lượng, nội dung sách, báo, tài liệu pháp luật trong nhiều TSPL chưa thực sự phù hợp với địa bàn và nhu cầu của người đọc.

Việc cập nhật, bổ sung, luân chuyển sách, tài liệu pháp luật chưa kịp thời và thường xuyên; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác văn bản, tài liệu pháp luật chưa được triển khai mạnh mẽ; chưa có sự thống nhất, chia sẻ về sách, tài liệu pháp luật trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương nên gây lãng phí nguồn lực.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng xây dựng, quản lý, khai thác TSPL cho cán bộ phụ trách TSPL chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra, sơ kết, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TSPL chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Đề xuất xây dựng mô hình TSPL điện tử quốc gia

Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, mô hình TSPL điện tử đã được quy định trong Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg nhưng còn chung chung, chưa rõ mô hình, cơ chế vận hành. Thời gian qua, Bộ Tư pháp và một số địa phương (Long An, TP Hồ Chí Minh…) đã xây dựng chuyên mục “TSPL” trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan nhưng nội dung còn sơ sài, chưa có sự liên kết, chia sẻ rộng rãi và thu hút nhiều người đọc truy cập, khai thác. 

Để khắc phục bất cập trên và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dự thảo Quyết định đã đề xuất một nội dung mới về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL điện tử. Theo đó, xác định mô hình TSPL điện tử theo 2 phương án: Một là TSPL điện tử quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; hai là TSPL điện tử trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước khác ở TƯ (bao gồm TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước), UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ.

Dự thảo Quyết định cũng nêu rõ được sử dụng, khai thác miễn phí các loại sách, tài liệu trong TSPL điện tử, bao gồm: Tài liệu giới thiệu luật, bộ luật, pháp lệnh; Sách, tài liệu pháp luật phổ thông; Sách, tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với đối tượng sử dụng, khai thác; Bài giảng điện tử, video clip về PBGDPL; Văn bản quy phạm pháp luật được liên kết, trích xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, Công báo điện tử nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Về mô hình TSPL điện tử, trong quá trình dự thảo Quyết định, có ý kiến đề nghị xây dựng theo mô hình thứ hai. Mô hình này có ưu điểm là tạo sự chủ động cho bộ, ngành TƯ, địa phương trong xây dựng, quản lý, vận hành TSPL. Có điều, với việc có nhiều mô hình TSPL điện tử sẽ khó khăn trong việc quản lý, không thống nhất, nhiều khi trùng lặp nội dung, gây lãng phí nguồn lực.

Bởi vậy, Bộ Tư pháp cho rằng mô hình thứ nhất là phù hợp với ưu điểm là bảo đảm tiết kiệm, thống nhất trong quản lý, hướng dẫn, vận hành TSPL; tạo điều kiện thuận tiện trong khai thác, tra cứu sách, tài liệu pháp luật, tạo kho tài liệu pháp luật để sử dụng chung, chia sẻ. 

Đọc thêm