Năm nhiều khởi sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

(PLO) - Đổi mới, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức… là những gì người ta cảm nhận về sự chuyển mình mạnh mẽ của công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong năm 2016. 
Quán Cà phê pháp luật ở Cần Thơ
Quán Cà phê pháp luật ở Cần Thơ

Hình thức tuyên truyền: trăm hoa đua nở

Với sự chủ động sáng tạo của nhiều Bộ, ngành, địa phương, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thời gian qua tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện. Để pháp luật đến gần với người dân, khắc phục tình trạng sơ cứng trong công tác tuyên truyền, Cần Thơ đã cho ra đời và phát triển mô hình “quán cà phê pháp luật”. Từ mô hình điểm trên địa bàn xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, nhiều quán cà phê pháp luật tiếp tục ra đời. Đến nay, số điểm quán cà phê pháp luật được Sở Tư pháp hỗ trợ sách pháp luật đã lên tới hàng trăm.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp TP Cần Thơ, mô hình quán cà phê pháp luật đã đem lại hiệu quả thiết thực là nơi giải trí lành mạnh, góp phần giảm các tệ nạn xã hội. Tại đây, người dân được tuyên truyền, phổ biến một số quy định của pháp luật, qua đó, giúp bà con trên địa bàn hiểu thêm các kiến thức cơ bản về pháp luật trong một số lĩnh vực. Ngoài ra, đây cũng được chọn làm điểm tổ chức hòa giải cơ sở, để hòa giải các mâu thuẫn, hàn gắn những xích mích trong công đồng dân cư, từ đó, ý thức về tinh thần toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được nâng cao.

Tại Long An, mô hình tiết học pháp luật đã được triển khai và nhân rộng trong các nhà trường, tạo sự hứng thú cho cả người dạy và học khi các vấn đề pháp luật được truyền tải qua nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn.

Tại TP Hồ Chí Minh, bắt đầu từ cuối năm 2015, Ngày hội pháp luật đã ra đời và được nhiều cơ quan, ban ngành hưởng ứng nhiệt tình. Trong Ngày hội pháp luật đã diễn ra nhiều hoạt động, chương trình phong phú, đặc sắc như: ôn lại truyền thống Ngày pháp luật Việt Nam 09/11, tư vấn pháp luật miễn phí, biểu diễn văn nghệ, tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật. Các luật gia, luật sư, chuyên gia pháp luật của Hội Luật gia TP, Đoàn Luật sư TP, các sở, ngành TP… đã tham gia tư vấn pháp luật, hướng dẫn tra cứu pháp luật, cung cấp văn bản pháp luật miễn phí. Ngày hội pháp luật tạo không khí hân hoan, phấn khởi cho nhiều tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. 

Trong năm Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo các Đoàn luật sư tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân; toàn ngành Thuế thực hiện tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế”; Phú Thọ đã tổ chức Ngày Pháp luật lồng ghép với việc tổ chức Ngày Đại đoàn kết tại khu dân cư...Khó có thể kể hết các mô hình mà Bộ, ngành địa phương đã thực hiện trong nỗ lực đưa pháp luật vào cuộc sống.

Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thành công Cuộc thi viết về gương sáng trong phòng chống tham nhũng; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Egame và 03 tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Tháp phát động và tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016, thu hút sự tham gia của gần 30 ngàn học sinh. Các hoạt động PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả, liên tục cập nhập, đưa tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với đồng bào, nhân dân cả nước. Bên cạnh phương thức PBGDPL truyền thống, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã bước đầu có những đổi mới trong công tác PBGDPL. 

Ngày hội tôn vinh người làm công tác hòa giải.

Năm 2016, công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong gắn kết cộng đồng dân cư, bảo đảm ổn định trật tự an toàn cơ sở; Bộ, Ngành Tư pháp đã tổ chức thành công Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III tại cả 04 cấp (toàn quốc, khu vực, tỉnh, huyện), là điểm nhấn của Ngày pháp luật 2016. Theo thống kê, hiện cả nước có 111.155 Tổ hòa giải, với 668.658 hòa giải viên; trong năm, cả nước tiếp nhận 171.428 vụ việc hòa giải (giảm 6,65% so với năm 2015), trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt khoảng 78,87%. Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành cao như Hà Nam, Hậu Giang, Lai Châu, Hoà Bình...

Cũng theo Bộ Tư pháp, năm 2016, đội ngũ người làm công tác PBGDPL tiếp tục được rà soát, củng cố, kiện toàn. Đến nay, cả nước đã có 23.992 Báo cáo viên pháp luật (cấp Trung ương: 1.552 người; cấp tỉnh: 6.117 người; cấp huyện: 16.323 người) và 142.197 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. 

Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật mới, nhất là tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật tố tụng hành chính, pháp luật về an toàn giao thông đường bộ... Năm 2016, cả nước thực hiện 1.416.808 cuộc tuyên truyền cho 84.515.720 lượt người; phát miễn phí 58.497.497 tài liệu PBGDPL. 

Báo chí phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền pháp luật

Nhìn lại năm 2016, Bộ Tư pháp đánh giá, công tác báo chí xuất bản có nhiều khởi sắc: các ấn phẩm, tin bài của Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp Chí Dân chủ - Pháp luật tiếp tục được đổi mới nội dung, hình thức bằng việc xây dựng thêm các chuyên trang, chuyên mục mới nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền kịp thời thông tin về các sự kiện chính trị - pháp lý của đất nước, các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành. Các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Tư pháp đều bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm chất lượng về nội dung, hình thức đã đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của bạn đọc, phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

 Bộ Tư pháp đã kịp thời, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp về các chính sách pháp luật, các giải pháp thực hiện nhiệm vụ. Việc tổ chức họp báo thường kỳ tiếp tục được duy trì, tập trung thông tin kết quả công tác tư pháp, các vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm. Công tác thông cáo báo chí về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành được thực hiện hàng tháng. Bộ Tư pháp đã ban hành mới Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự, trong đó, bên cạnh việc quy định phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí tại Bộ Tư pháp đã bổ sung yêu cầu Cục trưởng các Cục THADS tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ và đột xuất. Cùng với đó, Bộ đang tích cực xây dựng Đề án tăng cường công tác cung cấp thông tin của Bộ, Ngành Tư pháp.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ, mặc dù nội dung, hình thức PBGDPL tuy đã đổi mới nhưng theo đánh giá của Bộ Tư pháp vẫn chưa sát với đặc thù của từng địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng hoặc chưa gắn liền với trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương. Số lượng Chương trình, Đề án về PBGDPL nhiều với mục tiêu lớn nhưng thiếu nguồn lực bảo đảm, tình trạng trùng lắp, chồng chéo vẫn còn…Năm 2017, Bộ Tư pháp xác định sẽ xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2020. Chú trọng phổ biến các VBQPPL liên quan trực tiếp đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp và tư vấn, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin về các hoạt động của Bộ, Ngành với nhiều giải pháp cụ thể. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: 

”Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội”

Điểm nhấn của Ngày pháp luật 2016 là Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu “Hội thi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp xác định trong Kế hoạch công tác năm 2016. Như vậy là sau 11 năm, kể từ Hội thi lần thứ II, năm nay Bộ Tư pháp mới tổ chức Hội thi. Đây là sự kiện sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Tất cả 63 địa phương trong cả nước đã tích cực hưởng ứng Hội thi với tinh thần trách nhiệm cao, hồ hởi, phấn khởi, nhiều địa phương đã phát động Hội thi từ cơ sở. Vòng sơ khảo Hội thi tại 03 khu vực: miền Bắc (tại tỉnh Ninh Bình), miền Trung – Tây Nguyên (tại thành phố Đà Nẵng), miền Nam (tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và Hội thi chung kết tại Hà Nội đã được tổ chức thành công tốt đẹp.

Tổ chức Hội thi, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời từng bước đổi mới mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân. Hội thi là cơ hội để đội ngũ hòa giải viên được giao lưu, củng cố kiến thức, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, đồng thời chia sẻ, học hỏi và nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác hòa giải cơ sở tại các địa bàn, cũng như phát hiện, biểu dương, tôn vinh những hòa giải viên điển hình xuất sắc.

Các phần thi dưới hình thức sân khấu hóa mà các đội đem tới Hội thi còn trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân một cách dễ hiểu, dễ nhớ, phản ánh đời sống thực tiễn, pháp luật của người dân ở cơ sở, có ý nghĩa giáo dục cao, phục vụ rất tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật”.

Đọc thêm