Nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa và hỗ trợ thi hành án trực tuyến trong thi hành án dân sự

(PLVN) -Việc thực hiện cơ chế một cửa trong thi hành án dân sự (THADS) đã đã tạo ra một số chuyển biến trong công tác THADS tuy nhiên các quy định pháp luật hiện nay vẫn còn chưa tương thích và phù hợp với những chuyển biến trong áp dụng công nghệ thông tin.

Ngày 11/5/2017, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 537/QĐ-TCTHADS về việc ban hành Quy trình và triển khai thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan THADS trên toàn quốc. Việc thực hiện cơ chế một cửa đã đã tạo ra một số chuyển biến trong công tác THADS như: Giúp lãnh đạo các cơ quan THADS nắm bắt một cách toàn diện, cụ thể quá trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc tại bộ phận một cửa, đảm bảo chính xác và quản lý chặt chẽ hơn so với trước khi áp dụng. Cơ chế một cửa tạo cơ chế giám sát trong hoạt động giải quyết công việc của cơ quan THADS đối với cá nhân, tổ chức; nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ. Việc giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được thực hiện nhanh chóng, chính xác, trách nhiệm của từng bộ phận tham gia giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức được nâng cao. 

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ trực tuyến thi hành án đã tạo thuận lợi cho đương sự, mang lại nhiều lựa chọn và tiện lợi phù hợp với xu thế áp dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính hiện nay…. Bằng việc truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục THADS, các trang thông tin của Cục THADS người dân có thể tra cứu thông tin và tương tác với cơ quan thi hành án trên môi trường mạng, rất thuận tiện cho việc gửi email đến cơ quan thi hành án và tiếp nhận hỗ trợ trực tuyến từ cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết. Việc tạo môi trường tương tác trực tuyến giữa người dân với cơ quan THADS, từng bước tăng cường công khai, minh bạch thủ tục THADS, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với công chức THADS đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện nay vẫn còn chưa tương thích và phù hợp với những chuyển biến trong áp dụng công nghệ thông tin. 

Ví dụ: Về hình thức yêu cầu thi hành án, Luật THADS quy định 03 hình thức yêu cầu thi hành án (trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện). Tuy nhiên, hình thức yêu cầu thi hành án trực tuyến cũng nên được quan tâm và Luật hóa để đảm bảo tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đồng thời đảm bảo tính nhanh chóng, toàn diện của hình thức yêu cầu thi hành án cũng như thời hạn ra quyết định thi hành án từ đó góp phần rút ngắn nhiều thủ tục khác. Đối với việc trả kết quả của bộ phận một cửa trong một số trường hợp vẫn có phần chồng lấp trong thực hiện nhiệm vụ. 

Thực tiễn cũng cho thấy các ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn các thủ tục hành chính một cửa. Việc nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tuyến qua mạng internet vẫn chưa được thực hiện rộng rãi. Vẫn còn có một số phản hồi từ đương sự về việc không thể gửi yêu cầu hỗ trợ vào địa chỉ email hoặc có gửi nhưng kiểm tra hộp thư không nhận được nên họ phải liên hệ trực tiếp để hướng dẫn. Một số trường hợp biết được phương thức hỗ trợ trực tuyến nhưng vẫn trực tiếp liên hệ đến cơ quan THADS để được hướng dẫn vì lý do không có điều kiện về công nghệ thông tin nên hầu hết các yêu cầu tiếp nhận hỗ trợ trực tuyến đều nhận từ các tổ chức, doanh nghiệp, còn các đối tượng là cá nhân vẫn còn hạn chế

Để thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS,  rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án,  cần có sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả của toàn bộ hệ thống các cơ quan THADS. Có thể áp dụng một số giải pháp như: hoàn thiện các quy định pháp luật về THADS theo hướng quy định thực hiện một số thủ tục THADS thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm các điều kiện thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS; Xây dựng các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin; Trong đó cần quan tâm về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, việc tiếp nhận và chia sẻ dữ liệu điện tử giữa cơ quan THADS với các cơ quan, tổ chức liên quan về bản án, quyết định; kết nối, cung cấp, tích hợp, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… 

Đọc thêm