Nâng cao trách nhiệm và chất lượng hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL

(PLO) - Chiều qua (7/7), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã chủ trì họp thẩm định Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Thành phần Hội đồng và trách nhiệm của Ủy viên Hội đồng là 2 nội dung được cuộc họp tập trung thảo luận.
Nâng cao trách nhiệm và chất lượng  hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL

Về thành phần Hội đồng, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thành phần Hội đồng Trung ương bao gồm đại diện tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, VKSNDTC, TANDTC. Thành phần Hội đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện bao gồm đại diện tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, VKSND và TAND cùng cấp. Các bộ, ngành đều chịu trách nhiệm triển khai công tác PBGDPL trên lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước hoặc thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn khác.

Đồng tình với việc mở rộng thành phần, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội nêu thực tế, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã có tác dụng tích cực đến việc nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, các tranh chấp xảy ra trong cộng đồng dân cư. Do vậy, việc bổ sung mời đại diện lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC tham gia ủy viên Hội đồng Trung ương là cần thiết để phát huy hơn nữa vai trò của công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trong hoạt động PBGDPL. 

Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại cho rằng cần chọn lọc, không nên quy định tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ đều có đại diện tham gia là thành viên Hội đồng. Chung quan điểm, đại diện Văn phòng Chính phủ nhận định thành phần Hội đồng phải thể hiện được tính tập trung và tính ưu tiên. Cùng với đó, phải tính đến đặc thù từng vùng miền nên cần tạo sự linh hoạt, chủ động trong quy định thành phần Hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện.

Ngoài ra, Dự thảo Quyết định còn bổ sung trong trường hợp không thể tham dự các phiên họp, ủy viên Hội đồng có trách nhiệm cử người có thẩm quyền đại diện dự phiên họp hoặc gửi ý kiến bằng văn bản về cơ quan thường trực Hội đồng… Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Hà Đình Bốn cho rằng, để nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi ủy viên Hội đồng thì không nên quy định việc đi họp thay mà chỉ cần có cách xử lý linh hoạt trong thực tiễn. Còn Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) Đàm Thị Vân Thoa đề nghị quy định rõ trách nhiệm của ủy viên Hội đồng như Dự thảo, đảm bảo được trách nhiệm và vai trò của cơ quan, tổ chức tham gia Hội đồng.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh Dự thảo Quyết định cần đảm bảo tính khả thi, nâng cao tính ràng buộc trách nhiệm và tăng cường chất lượng của Hội đồng. Thứ trưởng cho rằng thành phần Hội đồng không nên mở quá rộng, thay vào đó, cần tạo cơ chế mở để có thể mời thêm các cơ quan, tổ chức có liên quan. Về cơ chế đi họp thay, Thứ trưởng nhận định đây là quy định không cần thiết, ủy viên nào không đi thì cần có trách nhiệm gửi lại ý kiến bằng văn bản để Hội đồng tổng hợp, báo cáo.

Đọc thêm