“Nâng cấp” chế định chứng thực hợp đồng, giao dịch

(PLO) - Bên cạnh mục tiêu chấm dứt tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực, một trong những mong muốn hướng tới khi xây dựng Luật Chứng thực là làm rõ việc có hay không quy định việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch; nếu có thì quy định ở mức độ nào?.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định ràng buộc về trách nhiệm của người thực hiện chứng thực khi chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Ngang bằng với chế định công chứng

Hiện nay, tại nhiều địa phương, UBND cấp xã vẫn thực hiện chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và nhà ở. Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: “Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”.

Theo quy định trên, giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực sẽ “thấp” hơn giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được công chứng. Vì thế, quy định này là chưa phù hợp bởi Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đều đặt chứng thực ngang với công chứng. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật Dân sự hiện hành thì điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là “giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”.

Bộ luật Dân sự năm 2015 (sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016) đã sửa đổi về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau: “Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.

Như vậy, về nguyên tắc, để hợp đồng, giao dịch có giá trị theo quy định của pháp luật, người thực hiện chứng thực phải bảo đảm cho hợp đồng hội đủ các điều kiện trên. Tuy nhiên, quy định chỉ chứng thực về hình thức của hợp đồng, giao dịch sẽ dẫn đến không ràng buộc được trách nhiệm của người thực hiện chứng thực phải bảo đảm tính hiệu lực của hợp đồng, giao dịch mà mình đã chứng thực.

Trên cơ sở đó, cần nghiên cứu “nâng cấp” chế định chứng thực hợp đồng, giao dịch (về mặt bản chất) ngang bằng với chế định công chứng. Theo đó, người thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch cũng phải chịu trách nhiệm (một phần hoặc hoàn toàn) về nội dung của hợp đồng, giao dịch, tương tự với công chứng viên.

Trong trường hợp “nâng cấp” chế định chứng thực hợp đồng, giao dịch, cần quy định ràng buộc theo hướng ở những nơi chưa có cán bộ, công chức có đủ trình độ, chuyên môn, khả năng để chứng thực hợp đồng, giao dịch về mặt nội dung thì UBND chưa nên giao thực hiện chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch. Nếu có yêu cầu, người dân đến tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện. Ngoài ra, cần phân loại một số hợp đồng, giao dịch (theo giá trị tài sản/giá trị hợp đồng, theo mức độ đơn giản/phức tạp…) để giao cho UBND cấp xã thực hiện, phù hợp với năng lực, trình độ, điều kiện của địa phương.

Hướng phát triển lâu dài

Đây cũng là vấn đề được Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực phản ánh tại cuộc họp báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp về Dự án Luật Chứng thực diễn ra hôm qua (22/4).

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến quan niệm, với mục đích tách bạch rõ hoạt động công chứng và chứng thực mà Nghị quyết số 49-NQ/TW đặt ra, việc chứng hợp đồng, giao dịch là hoạt động của công chứng. Tuy nhiên, trong giai đoạn chưa xã hội hóa được hoàn toàn hoạt động công chứng hay ở những địa phương công chứng chưa phát triển thì mới giao cho UBND chứng thực.

Theo đó, không quy định việc chứng thực hợp đồng, giao dịch thành một nội dung đương nhiên của Luật Chứng thực, mà chỉ quy định một điều khoản chuyển tiếp. Bà Yến cũng đồng tình phải siết chặt hoạt động chứng thực giống như công chứng từ trình tự, thủ tục đến việc bồi thường, chịu trách nhiệm khi chứng thực sai, bồi hoàn, lệ phí…

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, phần lớn các hợp đồng, giao dịch hiện nay đều được chứng thực. Nếu quy định chứng thực hình thức thì câu chuyện trở nên rất đơn giản, nhưng khi chứng thực các hợp đồng, giao dịch về nhà đất nên chăng cần chặt chẽ như công chứng. Thứ trưởng đúc rút, điều này đồng nghĩa phải tăng cường trách nhiệm của người thực hiện chứng thực.

Nhận thấy việc chứng thực hợp đồng, giao dịch tại Hà Nội và TP HCM rất phát triển, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, lựa chọn chứng thực hay công chứng các hợp đồng, giao dịch gắn liền với nhận thức của người dân. Vì vậy, theo Bộ trưởng, các hợp đồng, giao dịch dần dần phải do công chứng thực hiện hết và đây là hướng phát triển lâu dài.

Đọc thêm