Ngành THADS tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế

(PLVN) -Những năm qua, hệ thống cơ quan THADS đã nghiêm túc tinh giản biên chế theo chủ trương chung của Đảng, Chính phủ, giảm bình quân 200 biên chế/năm. Tuy nhiên, việc biên chế liên tục cắt giảm cũng đặt ra những khó khăn nhất định cho các cơ quan THADS khi khối lượng công việc ngày càng tăng. 

Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch

Cùng với việc quán triệt triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng, Đề án của Bộ Tư pháp về tinh giản biên chế, Tổng cục THADS đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống xây dựng Đề án và thực hiện có hiệu quả công tác tinh giản biên chế. 

Từ năm 2016, Tổng cục THADS đã xây dựng hệ tiêu chí phân bổ biên chế sát với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, đặc điểm địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội và khối lượng công việc, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, góp phần đảm bảo thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan THADS.

Tính đến ngày 31/7/2020, Hệ thống THADS đã thực hiện được 8.890/9.288 biên chế (tại Tổng cục THADS là 153/175 biên chế, các cơ quan THADS địa phương 8.737/9.113). Toàn Hệ thống vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm việc giảm biên chế, tinh giản biên chế, điều động công chức từ nơi sử dụng vượt quá biên chế đến các địa bàn thiếu biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo lộ trình giảm 10% biên chế đến năm 2021. 

Đối với năm 2020, trong điều kiện biên chế vẫn tiếp tục giảm ở mức cao, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, Tổng cục THADS đã xác định triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, tăng cường công tác phổ biến, quán triệt để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của hệ thống cơ quan THADS. Tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế tại đơn vị; xác định trách nhiệm tinh giản biên chế là của mỗi cá nhân, tổ chức trong Hệ thống mà trước hết là người đứng đầu. 

Tiếp tục thực hiện nguyên tắc phân bổ biên chế đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và sử dụng tối đa hiệu quả nguồn lực được giao, phù hợp tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ trước mắt của các đơn vị song cũng phải tính đến yếu tố lâu dài, làm căn cứ để giao biên chế trong những năm tiếp theo, tránh xáo trộn lớn, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan THADS địa phương, bảo đảm lộ trình đến năm 2021 giảm 10% biên chế so với năm 2015. 

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức cán bộ

Tổ chức kỳ thi nâng ngạch cho công chức trong Hệ thống THADS theo chỉ tiêu năm 2020; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan THADS địa phương năm 2020. Bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động phù hợp với Đề án vị trí việc làm; thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, nhất là tiếp tục nhân rộng và thực hiện tốt việc tăng cường điều động, biệt phái, luân chuyển công chức lãnh đạo, Chấp hành viên tại các cơ quan THADS. Chú trọng tới việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác THADS đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đặc biệt là những địa bàn, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. 

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức trong Hệ thống THADS, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động.

Cùng với đó cần có giải pháp đổi mới lề lối, phong cách làm việc nhất là đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác, làm giảm mâu thuẫn giữa khối lượng công việc và biên chế được giao. 

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm nêu gương, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên trong toàn hệ thống THADS. Rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức cán bộ của hệ thống THADS để từ đó xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp hơn; ban hành Quy chế điều động, luân chuyển công chức Hệ thống Thi hành án dân sự; sửa đổi tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan THADS. 

Đọc thêm