Ngành Tư pháp chung sức xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ

(PLO) - Hôm nay 23/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu. Đây là dịp để ngành Tư pháp đánh giá những công việc đã làm được trong năm 2016, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trong năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp 2017
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp 2017

Năm 2016, năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, là năm còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ với chủ trương xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ, trong sạch và liêm chính, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước đã đạt được những kết quả tích cực. 

Đối với công tác tư pháp, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp và tổ chức triển khai thực hiện, trong đó tập trung chỉ đạo 10 nhóm nhiệm vụ lớn, với 112 đầu nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, Bộ, ngành Tư pháp cùng với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước.

Bộ Tư pháp cho biết: năm 2016, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm; một số mặt công tác đạt kết quả cao: Công tác chỉ đạo điều hành được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là bám sát chủ trương về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ; việc phối hợp giữa Bộ, ngành Tư pháp với một số bộ, ngành khác được thực hiện chủ động, hiệu quả hơn.

Việc xây dựng, hoàn thiện các VBQPPL tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; giảm mạnh tình trạng “nợ đọng” văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc thẩm định VBQPPL, đặc biệt là các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện khẩn trương, bảo đảm tiến độ.

Công tác PBGDPL, nhất là các văn bản liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được toàn Ngành tập trung đẩy mạnh; công tác hoà giải ở cơ sở tạo được điểm nhấn quan trọng qua việc tổ chức thành công cuộc thi Hoà giải viên giỏi lần thứ III. Thi hành án dân sự đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền; tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống THADS.

Công tác hành chính tư pháp, nhất là áp dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật Hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân. Việc tham gia ý kiến pháp lý đối với các vụ việc, các sự kiện liên quan đến môi trường, đầu tư quốc tế... được thực hiện kịp thời, có chất lượng; hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật phục vụ tốt việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2017, Bộ, ngành Tư pháp xác định 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung nguồn lực để thực hiện. Cùng đó là các giải pháp chủ yếu, đó là: Xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, có tính khả thi cao, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện các kế hoạch công tác ngay từ đầu năm; tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ với các cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ tư pháp ở cơ sở; phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và thi đua - khen thưởng… 

 
Trên nhiều diễn đàn quan trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam luôn coi xây dựng thể chế là khâu đột phá trong chiến lược phát triển.

Chính phủ rất quan tâm và tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách tư pháp, chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành pháp luật trên thực tế, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình phát triển, vai trò của các cơ quan tư pháp là hết sức quan trọng.

Đọc thêm