Nghiêm cẩn khi động chạm đến quyền lợi người dân

(PLO) - Ngày 27/12 tại Tiền Giang, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) với sự tham dự của lãnh đạo Sở Tư pháp gần 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, đại diện 10 Phòng Tư pháp tỉnh Tiền Giang. 

Nghiêm cẩn khi động chạm đến quyền lợi người dân
Trong quá trình làm, địa phương còn lúng túng
Thông qua tọa đàm, Bộ Tư pháp triển khai những nội dung cơ bản của Đề án “Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương” ban hành kèm theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Trần Kim Mai - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhận định: Việc triển khai Quyết định 1950/QĐ-TTg là rất kịp thời, giúp cho các địa phương tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong việc thi hành pháp luật trong việc xử lý các vi phạm hành chính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng cho biết,  trong năm qua, Tiền Giang đã có khoảng 100.000 vụ việc xử lý VPHC. Trong quá trình làm, địa phương cũng còn nhiều lúng túng, bởi vậy, việc tổ chức chia sẻ trao đổi kinh nghiệm lần này chắc chắn sẽ giúp cho những người làm công tác pháp luật thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đặng Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia kiêm Tổ trưởng Đề án cho biết: Theo thống kê mới nhất, trong 3 năm qua, cả nước có gần 20 triệu vụ xử lý VPHC với tổng số tiền xử phạt 6 - 7 nghìn tỷ đồng.
Trước đây, việc theo dõi thi hành pháp luật về xử lý VPHC không có cơ quan nào đảm trách, nay bằng Quyết định 1950/QĐ-TTg, Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm, bảo đảm tính khách quan và thi hành pháp luật về xử lý VPHC được thông suốt. 
Ông Sơn cũng dẫn ra một số ví dụ thực tiễn cho thấy, việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC có nhiều trường hợp đau lòng. Như trường hợp hai cháu bé vi phạm giao thông ở Đắk Lắk, do không có tiền nộp phạt phải đi rửa bát thuê, rồi một em dại dột mua thuốc rầy uống tự tử. Điều đó cho thấy công tác thi hành pháp luật trong xử lý VPHC động chạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân. 
Cần phân định rõ thẩm quyền và quy định cụ thể hơn
Ông Nguyễn Hữu Thắng - Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp cho biết, trong thời gian qua, Sở đã tập trung tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền tại các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh, các phòng có chức năng xử lý VPHC như: Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt; Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Thanh tra các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế; các đồn biên phòng đóng trên địa bàn tỉnh. 
Đoàn kiểm tra đã kiểm tra ngẫu nhiên một số hồ sơ xử lý VPHC đang lưu trữ; xem xét tính pháp lý của hồ sơ, quy trình xử phạt từ khi lập biên bản VPHC đến khi ra quyết định xử phạt; công tác thi hành quyết định xử phạt, cưỡng chế hành chính; việc áp dụng các quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý VPHC… theo qui định pháp luật. 
Trong quá trình kiểm tra, ngoài những kết quả làm được, Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số sai sót trong quá trình xử lý VPHC, như việc sử dụng mẫu biên bản, quyết định xử phạt VPHC chưa đúng; tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC nhưng người có thẩm quyền không ra quyết định tạm giữ và biên bản tạm giữ theo quy định; có áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện nhưng không xử lý tang vật, phương tiện... 
Một số trường hợp xử phạt sai thẩm quyền, cấp phó ký quyết định xử phạt VPHC nhưng không có ủy quyền; áp dụng ở mức phạt đầu khung, trung bình khung hoặc cuối khung đối với các đối tượng vi phạm hành chính nhưng trong quyết định không viện dẫn ra các tình tiết tương ứng,... 
Góp ý để việc thực hiện công tác thi hành pháp luật trong xử lý VPHC được hoàn thiện hơn, bà Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cần Thơ cho rằng: “Việc phối hợp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cần có cơ chế, phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong việc phối hợp; vai trò của đơn vị chủ trì rất quan trọng, phải là chủ công, đầu tàu trong việc thực hiện công tác đó”. 
Bà Hải Yến cũng cho rằng, để tạo thuận lợi cho người có thẩm quyền xử lý VPHC thực hiện nhiệm vụ, tạo sự quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước, tránh xử lý tùy tiện khi xảy ra trường hợp người có thẩm quyền có hành vi vi phạm pháp luật thì cần có chế tài cụ thể đối với người có thẩm quyền có hành vi vi phạm pháp luật về xử lý VPHC, trong đó có chế tài cho trường hợp thực hiện không đúng thời gian quy định cho từng loại công việc. 
Điều 16 Luật Xử lý VPHC chỉ quy định chung là tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ có quy định chi tiết về vấn đề này, đồng thời sớm ban hành quy định để xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý VPHC.

Đọc thêm