Nghiêm khắc hơn với một số tội phạm

(PLO) - Tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) tại nhiều địa phương cho thấy, quy định về khung hình phạt của một số điều trong BLHS chưa thực sự hợp lý dẫn đến việc áp dụng chưa đảm bảo tính chính xác và khách quan.
Nghiêm khắc hơn với một số tội phạm
Tham ô tài sản 500 triệu, tử hình là “không còn phù hợp”?
Những bất cập nói trên, theo Bộ Tư pháp, thể hiện ở chỗ có sự mâu thuẫn trong quy định của BLHS về các khung hình phạt đối với một số tội phạm, nhất là các tội phạm có cùng tính chất.
Ví dụ điển hình là quy định tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Khoản 1 Điều 95) với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm là bất hợp lý so với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Khoản 2 Điều 105) với khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm vì hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nguy hiểm hơn so với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Tương tự là hình phạt đối với hành vi buôn bán hàng cấm qua biên giới trong tội buôn lậu lại nhẹ hơn hình phạt đối với hành vi buôn bán hàng cấm ở nội địa trong tội buôn bán hàng cấm (Điều 155) trong khi hành vi buôn bán hàng cấm qua biên giới (buôn lậu) nguy hiểm hơn so với hành vi buôn bán hàng cấm trong nước ở Điều 155.
Hay như quy định khung hình phạt đối với hành vi chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (trong đó có hình thức cướp, cưỡng đoạt, trộm cắp, cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt) ở Khoản 1 Điều 230 BLHS (tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự) thấp hơn nhiều so với khung hình phạt ở Khoản 1 Điều 133 BLHS (tội cướp tài sản) là không hợp lý vì vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là loại tài sản đặc biệt thuộc sự quản lý đặc biệt của Nhà nước nên hành vi chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có tính nguy hiểm cao hơn nhiều so với hành vi chiếm đoạt các loại tài sản thông thường khác.
Bên cạnh đó, qua tổng kết BLHS cho thấy, mức hình phạt đối với một số tội phạm còn thấp, chưa đủ tác dụng răn đe, giáo dục trong tình hình hiện nay. Ví dụ như tội trốn thuế (Điều 161) là loại tội phạm xảy ra nhiều trên thực tế nhưng quy định về hình phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm là quá nhẹ.
Trong khi hình phạt với một số tội phạm thấp thì một số tội lại quá cao. Ví dụ như khi tham ô tài sản từ 500 triệu đồng trở lên có khung hình phạt cao nhất là tử hình (Khoản 4 Điều 278) là quá nghiêm khắc, không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Hay quy định mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên tại Khoản 4 của các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là quá nặng vì giá trị đồng tiền hiện nay bị mất giá nhiều so với thời điểm ban hành BLHS 1999.
Vì những bất cập trong chính quy định của BLHS dẫn đến thực tế là “việc áp dụng hình phạt chưa đảm bảo tính chính xác và khách quan”.
Nâng mức hình phạt đối với mua bán người, trốn thuế...
Nghiên cứu sửa đổi quy định của BLHS về các khung hình phạt đối với một số tội danh theo hướng bảo đảm sự phù hợp, thống nhất về khung hình phạt của một số loại tội phạm, Bộ Tư pháp còn đề xuất nâng mức hình phạt nghiêm khắc hơn đối với một số tội như: tội mua bán người; tội ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; tội trốn thuế; một số tội phạm an toàn giao thông; tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; tội gây rối trật tự công cộng... đồng thời quy định hình phạt bổ sung là hình phạt bắt buộc phải áp dụng khi xét xử các tội này.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất giảm mức hình phạt nhẹ hơn đối với một số tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý như tội làm chết người trong khi thi hành công vụ; tội vô ý làm chết người; tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Đề nghị hình sự hóa hành vi bảo kê, đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen”
Qua tổng kết BLHS cho thấy một số hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra trong thực tiễn nhưng chưa được quy định trong BLHS, cần được hình sự hóa trong sửa đổi BLHS lần này như: hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức; hành vi bóc lột, lạm dụng lao động trẻ em; chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi; hành vi bảo kê, đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen; một số hành vi trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; giao dịch điện tử, xuất bản báo chí...

Đọc thêm