Nghiên cứu áp dụng Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử

(PLO) - Ngay từ khi Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động xây dựng và từng bước đưa các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động cấp Phiếu, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần đẩy mạnh và nâng cao việc ứng dụng CNTT trong công tác này để giải quyết một số khó khăn phát sinh từ thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của người dân.
Công dân nhận Phiếu LTTP tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp TP Hà Nội.
Công dân nhận Phiếu LTTP tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp TP Hà Nội.

Cung cấp dịch vụ công mức độ 3

Sau 7 năm triển khai ứng dụng CNTT, việc làm này đã đi vào nền nếp và có được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng trong giải quyết hàng triệu yêu cầu cấp Phiếu cho công dân một cách nhanh chóng, thuận tiện và chính xác. Ngay thời gian đầu thi hành Luật LLTP, trước nhu cầu bức thiết của thực tiễn, Sở Tư pháp TP HCM đã xây dựng phần mềm và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2011. Một số Sở Tư pháp thì sử dụng phần mềm của Sở Tư pháp TP HCM với các phiên bản khác nhau như Sơn La, Kiên Giang, Lâm Đồng, Trà Vinh, Long An, Đắk Lắk, Tây Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa… Ngoài ra, có 6 Sở Tư pháp sử dụng phần mềm tự viết gồm Sóc Trăng, Đồng Nai, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hậu Giang và Điện Biên. 

Có điều, do tiến hành không đồng đều, không thống nhất nên Bộ Tư pháp đã xây dựng và triển khai thống nhất Phần mềm quản lý LLTP dùng chung cho các Sở Tư pháp trên toàn quốc và Phần mềm quản lý LTTP phiên bản cho Trung tâm LLTP quốc gia. Với sự hỗ trợ của hai Phần mềm này, tính đến cuối năm 2017, toàn hệ thống đã ghi nhận có trên 2 triệu yêu cầu cấp Phiếu LTTP được cập nhật và xử lý tại Trung tâm LLTP quốc gia và 63 Sở Tư pháp.

Nhằm khắc phục bất cập của việc cấp Phiếu theo mô hình truyền thống, đồng thời rút ngắn thời gian, giảm số lần đi lại cho công dân có nhu cầu cấp Phiếu, qua tham mưu của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến. Đến tháng 10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện trên toàn quốc đối với việc cấp LLTP. 

Toàn quốc đã ghi nhận 63 đơn vị gồm Trung tâm LLTP quốc gia và 62 (60) Sở Tư pháp sử dụng Phân hệ đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến do Bộ Tư pháp xây dựng. Trong đó có 57 đơn vị đã tích hợp đăng ký trực tuyến với dịch vụ nhận hồ sơ và trả kết quả cấp Phiếu thông qua dịch vụ bưu chính. Qua hơn 2 năm triển khai, hệ thống đã ghi nhận gần 35,3 nghìn lượt hồ sơ đăng ký cấp Phiếu LLTP hợp lệ được xử lý trên tổng số hơn 68 tờ khai được đăng ký trên Phân hệ đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến, bảo đảm việc cấp Phiếu LLTP được nhanh chóng, kịp thời và thuận tiện tối đa cho người đăng ký.

Tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân

Mặc dù đạt nhiều kết quả như trên nhưng việc triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong cấp Phiếu LLTP còn tồn tại một số khó khăn. Nổi bật là nhiều trường hợp công dân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chỉ cần có một văn bản điện tử xác nhận thông tin về LLTP từ cơ quan cấp Phiếu, thay vì nhận bản giấy Phiếu LLTP. Tuy nhiên, pháp luật về LLTP chưa cho phép điều này nên để có thông tin về LLTP của bản thân, người có nhu cầu cấp Phiếu phải đợi để nhận bản giấy và phải trả một khoản phí bưu chính không nhỏ cho việc nhận Phiếu, gây mất nhiều thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có cơ chế pháp lý cụ thể cho phép áp dụng các giải pháp thanh toán trực tuyến thông qua hình thức chuyển khoản hoặc thanh toán thông qua các cổng thanh toán trực tuyến.

Để giải quyết các vướng mắc, nhiều ý kiến đề nghị cần áp dụng một cách đồng bộ và triệt để cả 5 giải pháp đã được triển khai đối với việc đăng ký cấp Phiếu LLTP trên Phân hệ đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến. Cụ thể, ngay sau khi người đăng ký gửi bản chụp (có màu) của các giấy tờ cần thiết và thanh toán đầy đủ phí qua hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng của cơ quan cấp Phiếu, cơ quan cấp Phiếu LLTP có thể thẩm tra, tiếp nhận và tiến hành các thủ tục để cấp Phiếu ngay mà không cần phải đợi đến khi nhận được hồ sơ giấy của người đăng ký. Đến khi có kết quả cấp Phiếu, cơ quan cấp Phiếu LLTP sẽ đối chiếu, kiểm tra lại hồ sơ giấy của công dân được gửi đến trước khi chuyển trả Phiếu LLTP cho công dân.

Đặc biệt, Cục CNTT (Bộ Tư pháp) đề xuất phải có những quy định mở nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho những trường hợp công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài có thời gian sinh sống ở Việt Nam và hiện đang sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài có thời gian sinh sống ở Việt Nam và hiện đã về nước có thể nhận được Phiếu LLTP một cách thuận tiện, giảm thiểu tối đa các khoản lệ phí phát sinh. Theo đó, có thể nghiên cứu áp dụng Phiếu LLTP điện tử (có xác nhận thông qua chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan cấp Phiếu LLTP) để trong trường hợp người đăng ký cấp Phiếu không cần bản giấy Phiếu LLTP thì có thể gửi trả Phiếu LLTP điện tử qua email.

Đọc thêm