Nghiên cứu sâu tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật: Thấm thía những giá trị vô giá mà Người để lại

(PLVN) -Trước thềm Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” tổ chức hôm nay 30/11, Báo Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận và lược trích một số ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, xin trân trọng giới thiệu cùng ban đọc
Nghiên cứu sâu tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật: Thấm thía những giá trị vô giá mà Người để lại

GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là một trong những nội dung cốt yếu của tư tưởng chính trị, đường lối chính trị của Người

“Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là một trong những nội dung cốt yếu của tư tưởng chính trị, đường lối chính trị của Người, gắn liền chính thể với xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước, với xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội, với đào tạo đội ngũ công chức chuyên nghiệp có kỷ luật công vụ nghiêm minh, đạo đức công chức tận tụy, trách nhiệm phục vụ Nhân dân, trong sạch, liêm khiết, giữ được tín tâm trong lòng dân.

 

Người chủ trương một đường lối chính trị dân chủ, phấn đấu không mệt mỏi xây dựng thể chế dân chủ pháp quyền để thực hiện và bảo vệ quyền làm chủ đích thực của Nhân dân, thấm nhuần nguyên tắc bao nhiêu lợi ích thuộc về dân, bao nhiêu quyền hành cũng là của dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước thật trong sạch, thật liêm chính, thật sự vì dân. 

Người đòi hỏi phải ra sức thực hành dân chủ cùng với tăng cường đoàn kết và xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Cùng với pháp luật, Hồ Chí Minh còn thường xuyên chú trọng đạo đức, giáo dục và thực hành đạo đức cho đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức trong các cơ quan công quyền, trong các mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, giữa công chức với công dân. Trong nhiều năm ở cương vị Chủ tịch Chính phủ và Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc sự kết hợp đức trị với pháp trị trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội. 

Người thực sự đặt nền móng cho Nhà nước dân chủ - pháp quyền - nhân nghĩa của Việt Nam. Những tư tưởng của Người hợp thành thiết kế lý luận cho xây dựng nền dân chủ và nhà nước dân chủ pháp quyền Việt Nam trong thời đại mang tên Người - Thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.”

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở lý luận đó những giá trị phổ biến có tính quy luật và phương pháp luận khoa học, để vận dụng và phát triển sáng tạo.

Trong hệ thống quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh có tư tưởng về xây dựng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở lý luận đó những giá trị phổ biến có tính quy luật và phương pháp luận khoa học, để vận dụng và phát triển sáng tạo. Người kế thừa di sản truyền thống của dân tộc và với 30 năm hoạt động ở nước ngoài tiếp cận nhiều nền văn hóa, văn minh của nhân loại, phát triển nhận thức cùng thời đại.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân không chỉ ở những người trong bộ máy thật sự đại biểu cho Nhân dân, mà còn ở chỗ các đại biểu đó trong cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, vì độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của đồng bào. 

Bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở đều phục vụ lợi ích của Nhân dân, là công bộc của Nhân dân. Nhân dân làm chủ, mọi quyền lực thuộc về Nhân dân, đúng như Hồ Chí Minh đã xác định năm 1927: cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam 1946 đã thể hiện nội dung đó. Điều thứ 1 của Hiến pháp 1946 ghi rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Điều thứ 11 có nội dung rất quan trọng: “tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam”.

GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Người nhấn mạnh chủ thể của kiểm soát quyền lực nhà nước trước tiên phải là nhân dân.

“Trong kho tàng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước thì tư tưởng về kiểm soát quyền lực nhà nước là một bộ phận quan trọng, tiêu biểu và đặc sắc nhất. Tư tưởng ấy thể hiện trong nhiều tác phẩm của Người, với nội dung phong phú.

Trước hết, khi nói tới quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước thì điều đầu tiên trong tư tưởng và quan niệm của Người là: “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Và xuất phát từ quan điểm đó, người nhấn mạnh chủ thể của kiểm soát quyền lực nhà nước trước tiên phải là nhân dân. Người cho rằng: một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân là một chính quyền “tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân… Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân”.

 

Thứ hai, phải sử dụng sức mạnh thần linh pháp quyền của Hiến pháp và pháp luật để giới hạn quyền lực nhà nước. Nhân tố tiên quyết để hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thứ ba, phân công, phân nhiệm một cách rạch ròi quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và giữa các quyền có sự kiểm soát lẫn nhau. Có thể nói Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng ban soạn thảo đã vận dụng học thuyết phân quyền về phương diện kỹ thuật một cách sáng tạo và độc đáo phù hợp với đặc thù và tương quan lực lượng trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền nhà nước non trẻ lúc bấy giờ. Ngày nay xem xét dưới phương diện kiểm soát quyền lực nhà nước, việc tổ chức quyền lực nhà nước của Hiến pháp năm 1946 có thể rút ra được rất nhiều điều bổ ích về việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong điều kiện mới - xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ tư, thanh tra, kiểm tra, phê bình và tự phê bình là các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý - Người nói: “có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”.

TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng ban Tổ chức Hội thảo: Càng nghiên cứu sâu tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, càng thấm thía những giá trị vô giá mà Người để lại.

Trong lịch sử tư tưởng về nhà nước và pháp luật ở nước ta, Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, là nhân vật lịch sử có vị trí đặc biệt quan trọng với tư cách là Người sáng lập Nhà nước kiểu mới, sáng lập nền dân chủ cộng hòa. Nghiên cứu tư tưởng của Người về nhà nước và pháp luật trong mối tương quan, so sánh với các tư tưởng mà dân tộc ta đã tích lũy được về nhà nước và pháp luật sẽ thấy bước phát triển vượt gộp.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa trọn vẹn tinh hoa tư tưởng trị quốc - an dân, trong đó có tư tưởng trọng dân, gần dân, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đức trị và pháp trị, trọng dụng hiền tài mà hàng ngàn năm qua nhiều vương triều thân dân từng tồn tại ở Việt Nam đã đúc kết được. Tuy nhiên, với phông văn hóa đặc biệt rộng lớn, cùng trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc tinh hoa văn hóa các quốc gia tiên tiến đương thời từ cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hi sinh, hiểm nguy và mưu lược trong 30 năm ở nước ngoài và 24 năm Người ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước, với lòng yêu nước, thương dân vô hạn, Người đã đúc kết, chọn lựa và xây dựng nên hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc chỉ dẫn cách thức xác định mục đích, bản chất, chức năng, vai trò của nhà nước và pháp luật, chỉ dẫn cách thiết kế bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật ở nước ta. Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dựa trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và hệ thống pháp luật hiệu lực, hiệu quả với thần linh pháp quyền là những điểm cốt lõi trong tư tưởng của Người về nhà nước và pháp luật.

Càng nghiên cứu sâu tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, càng thấm thía những giá trị vô giá mà Người để lại, càng thấy rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Lãnh tụ sáng lập chế độ ta và vững tin vào tiến trình vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong thực tiễn cải cách, đổi mới ở nước ta hiện nay, nhất là trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa cùng việc xây dựng hệ thống pháp luật hiệu lực, hiệu quả, nhân văn và đậm đà bản sắc dân tộc. 

Đọc thêm