Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh

(PLVN) - Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại cuộc họp thẩm định Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam diễn ra chiều 21/2 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.

Qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại diện Bộ Công an nhận định các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh... Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, việc xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là rất cần thiết.

Một trong những điểm mới để đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như đảm bảo yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân, dự thảo Luật đã quy định về xây dựng, quản lý, khai thác dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh của công dân và kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để phục vụ việc cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh.


Theo dự thảo Luật, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có hai loại: hộ chiếu gắn chip điện tử và hộ chiếu không gắn chip điện tử. Hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, có thời hạn 10 năm để phù hợp với độ tuổi được cấp Căn cước công dân.

Đồng thời dự thảo Luật quy định việc thu nhận vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử lần đầu để phục vụ việc thu thập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh của công dân trong trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về Căn cước công dân chưa đáp ứng và chống giả mạo.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh còn chung chung, nên giao cho Chính phủ quy định để triển khai cụ thể. Còn đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị cần bổ sung thêm quy định cung cấp dữ liệu thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm, chưa được phép xuất nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu đồng thời quy định thêm về đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu để quản lý tốt hơn tại khu vực nhạy cảm, phức tạp này. 

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, việc xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và hộ chiếu có gắn chip điện tử vừa góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vào các nước. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật thì người từ đủ 14 tuổi trở lên có được lựa chọn loại hộ chiếu không gắn chip điện tử không hay buộc phải sử dụng hộ chiếu gắn chip điện tử? Về việc xuất nhập cảnh liên quan đến người dưới 14 tuổi, dự thảo Luật không nên quy định điều kiện kèm theo khi đối tượng này nhập cảnh để đảm bảo phù hợp với Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị cùng các Điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.

Về việc cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ, cần có các tiêu chí, nguyên tắc phù hợp để bổ sung hay thu hẹp đối tượng đảm bảo phù hợp, khả thi. Ngoài ra, đề xuất xây dựng dữ liệu sinh trắc học của những người mang hộ chiếu ngoại giao để lưu trữ, quản lý với tính bảo mật tốt nhất.


Còn đại diện Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh các quy định của dự thảo Luật này cần đảm bảo phù hợp với quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân đã được Hiến pháp quy định. Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam đồng thời cần tiến hành rà soát, đánh giá, đề ra lộ trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến xuất nhập cảnh để đảm bảo đồng bộ khi Luật này được ban hành.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà lại các quy định để đảm bảo hợp Hiến, hợp pháp, đồng bộ với các văn bản Luật khác cũng như tương thích với pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị cùng các Điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.

Thứ trưởng lưu ý các quy định của dự thảo Luật cần tạo điều kiện tối đa trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh cho người dân; các quy định về từ chối, hạn chế quyền xuất nhập cảnh cần xét tới tính cần thiết và tính tương thích với hành vi, trách nhiệm của người liên quan; làm rõ về vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này của các Bộ, ngành. Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, cần cân nhắc mối quan hệ gắn kết, nhu cầu chia sẻ thông tin của các Bộ, ngành đồng thời cần làm rõ lộ trình, nguồn lực để phục vụ công tác này.

Đọc thêm