Người bị thiệt hại có thể đề nghị tạm ứng bồi thường ngay

(PLO) - Đây là một trong những quy định bổ sung đáng chú ý tại Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) được nhiều chuyên gia đồng tình khi tham dự hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo Luật do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/Việt Nam GIG) tổ chức.
Người bị thiệt hại có thể  đề nghị tạm ứng bồi thường ngay

Đảm bảo giải quyết nhanh chóng yêu cầu bồi thường

Giới thiệu Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) sửa đổi, Phó Cục trưởng Cục BTNN (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Tố Hằng cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN lần này được xác định là cơ bản, toàn diện.

Dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) có 9 chương, 84 điều, so với Luật TNBTCNN năm 2009, Dự thảo Luật đã sửa đổi 47/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 37 điều. Dự thảo Luật sửa đổi sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016) tới đây.

So với Luật TNBTCNN năm 2009, Dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền yêu cầu bồi thường của người thừa kế của người bị thiệt hại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại; người ủy quyền của người bị thiệt hại, người thừa kế, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại.

Dự thảo Luật quy định về cơ quan giải quyết bồi thường, trong đó, một số trường hợp thì cơ quan gây thiệt hại là cơ quan giải quyết bồi thường, còn lại, cơ quan giải quyết bồi thường sẽ là cơ quan cấp trên một cấp của cơ quan gây thiệt hại.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật bổ sung quy định tạm ứng kinh phí bồi thường. Theo đó, khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường, ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường xác định một khoản tiền cho các thiệt hại có thể tính được ngay và có trách nhiệm đề xuất Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền đó cho người yêu cầu bồi thường.

Như vậy, quy định có thể đề nghị tạm ứng ngay đối với các thiệt hại có thể tính được mà không cần xác minh, thương lượng (nếu có) giúp người yêu cầu bồi thường được đảm bảo giải quyết nhanh chóng đối với các thiệt hại có thể tính toán được ngay.

Chuyên gia Tạ Thị Minh Lý đồng tình đề nghị có quy định về tạm ứng đền bù oan sai trong một số trường hợp (như trường hợp vụ ông Huỳnh Văn Nén) để bảo vệ được công dân, nhất là những trường hợp do hoạt động tố tụng gây oan sai đẩy công dân vào chỗ bơ vơ không nhà cửa, nghèo đói, bệnh tật hiểm nghèo mà cứ chờ giải quyết khiếu nại và tố cáo kéo dài hàng năm trời. Còn không, theo bà Lý, có thể quy định có hỗ trợ khẩn cấp ban đầu, tương tự hiện nay đã có quy định hỗ trợ ban đầu cho những trường hợp là nạn nhân bạo lực gia đình.

Thương lượng cũng cần công bằng

Dự thảo Luật cũng sửa đổi toàn diện quy định về thương lượng việc bồi thường (Điều 52). Cụ thể, bổ sung thêm quy định về việc phải hoàn thành báo cáo xác minh thiệt hại làm căn cứ thương lượng việc bồi thường; bổ sung quy định về thành phần tham gia thương lượng, nội dung thương lượng, thủ tục thương lượng, ấn định rõ địa điểm thương lượng.

Ngoài ra, bổ sung thêm quy định về trường hợp thương lượng nhiều lần thì ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người giải quyết bồi thường phải lập biên bản tổng hợp kết quả thương lượng. Biên bản tổng hợp kết quả thương lượng phải xác định rõ việc thương lượng thành hoặc không thành.

Xung quanh sửa đổi trên, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Hậu nêu một số câu hỏi mà Dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ như trường hợp người yêu cầu bồi thường không thương lượng thì sẽ được giải quyết như thế nào? Có được bồi thường hay không?...

Đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường không thương lượng thì theo ông Hậu, Dự thảo cũng nên quy định rõ người bị thiệt hại có thể làm gì để bảo vệ lợi ích của mình. Nếu đã trải qua các bước nộp đơn yêu cầu bồi thường và xác định thiệt hại mà người yêu cầu bồi thường không muốn thương lượng, họ cũng có quyền khởi kiện trực tiếp đến tòa án có thẩm quyền và lúc này cơ quan gây thiệt hại sẽ trở thành “bị đơn dân sự”, người thiệt hại là “nguyên đơn dân sự” và người bị hại phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. 

Không những thế, chuyên gia Nguyễn Văn Tuân thẳng thắn nhận định, quy định về thành phần tham gia thương lượng của Dự thảo Luật chưa tạo được sự bình đẳng giữa người yêu cầu bồi thường là một bên tham gia thương lượng với bên thương lượng còn lại là bên có trách nhiệm bồi thường. Để bảo đảm sự bình đẳng và có hiệu quả, đồng thời nâng cao tính dân chủ của hoạt động thương lượng, ông Tuân đề nghị có sự tham gia của đại diện của Hội Luật gia và các tổ chức xã hội có chức năng tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho người có yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đọc thêm