Người dân được quyền bàn bạc, quyết định nhiều vấn đề

(PLO) - “Người dân được quyền tiếp cận thông tin liên quan đến đời sống thiết thực của mình, được quyền bàn bạc và quyết định những vấn đề có liên quan đến đời sống khu dân cư cũng như được hưởng những chính sách xã hội theo quy định…” – đó là những gì người dân được tiếp nhận và sử dụng pháp luật (tiếp cận pháp luật). 
Cán bộ bộ phận một cửa ở Bạc Liêu hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính
Cán bộ bộ phận một cửa ở Bạc Liêu hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính
Khó khăn ban đầu
Để người dân tiếp cận pháp luật nhằm phát huy quyền và nghĩa vụ của mình ngay tại xã, phường, thị trấn, Nhà nước đã đặt ra các thiết chế gồm: Bộ máy tổ chức, quy trình giải quyết yêu cầu vướng mắc pháp luật, cơ chế bảo đảm, hỗ trợ và phương tiện thực thi quyền công dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai, thi hành các thiết chế – điều kiện bảo đảm cho người dân tiếp cận pháp luật đang gặp những khó khăn, vướng mắc, hạn chế mà đến nay chưa có giải pháp khắc phục một cách toàn diện và hiệu quả. 
Thực tế, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã còn mỏng, trong khi lượng việc khá nhiều nên việc thực thi nhiệm vụ gặp không ít khó khăn. Chưa kể, nhiều văn bản quy phạm pháp luật  của HĐND, UBND cấp xã ban hành có tính khả thi không cao, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và thuận tiện để người dân thực thi, vận dụng. Một số nơi văn bản ban hành còn chưa đúng về nội dung và thể thức, chưa lấy ý kiến của đông đảo người dân – cũng như các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh. Thậm chí, nhiều nơi còn chưa được nối mạng, ảnh hưởng đến việc cập nhật văn bản pháp luật mới và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật một cách hệ thống… 
Qua theo dõi, Phòng Công tác tư pháp, Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp nhận thấy hầu hết các địa phương triển khai giống nhau tại một số điểm như phân công cán bộ theo dõi, điều kiện công nhận, xếp hạng, biểu dương huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Theo đó, kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của các địa phương, niêm yết công khai điểm số tự đánh giá và quy định có liên quan tại trụ sở UBND cấp xã.
Một cửa liên thông ở cả ba cấp
Cũng cần nói thêm rằng, quá trình theo dõi của Cục Công tác phía Nam cho thấy, các địa phương đã khẩn trương trang bị máy tính có đường truyền kết nối mạng internet. Điển hình là TP.Cần Thơ – địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước thực hiện “Mô hình một cửa liên thông điện tử ở cả ba cấp chính quyền và 19/19 sở, ngành”. Còn lại hầu hết các địa phương trang bị khá đầy đủ máy tính nối mạng và cập nhật cơ sở dữ liệu pháp luật cho cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ. 
Bên cạnh đó, một số địa phương còn trang bị máy tính phục vụ cho công tác tra cứu văn bản tài liệu, sách, báo pháp luật hoặc máy tính nối mạng tại các địa điểm UBND xã, phường quản lý; đồng thời cán bộ, công chức làm công tác giúp UBND các cấp về công tác chuẩn tiếp cận pháp luật đã chủ động nghiên cứu 8 tiêu chí, 41 chỉ tiêu theo quy định để đáp ứng yêu cầu của công việc cũng như xây dựng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật. 
Có thể nói, tiếp cận pháp luật đã giúp người dân được quyền tiếp cận thông tin liên quan đến đời sống thiết thực của mình. Người dân được quyền bàn bạc và quyết định những vấn đề có liên quan đến đời sống khu dân cư cũng như được hưởng những chính sách xã hội theo quy định. Còn với các cơ quan nhà nước, việc áp dụng chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần minh bạch hóa chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, giúp các cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ hơn thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; tránh tình trạng quá tải ở các cơ quan nhà nước trong việc tiếp và giải quyết các công việc của công dân… 
Theo Cục Công tác phía Nam, với vai trò là cơ quan đầu mối tiếp nhận thông tin từ các địa phương khu vực phía Nam cho thấy việc tiếp cận pháp luật giúp cho mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và người dân được tốt hơn. Không những thế còn được người dân đánh giá tốt, thể hiện mức độ hài lòng cao và đạt được mục tiêu cải cách hành chính. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến tích cực về ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. 
Bên cạnh đó, để làm tốt hơn nữa công tác tiếp cận pháp luật tại cơ sở ở các địa phương, Cục Công tác phía Nam cũng đã mạnh dạn đề xuất Bộ Tư pháp sớm ban hành thông tư hướng dẫn về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; trình tự đánh giá, công nhận, xếp hạng, khen thưởng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật, cũng như sớm ban hành “Đề án kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”…  
Về vấn đề này, mới đây Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, xây dựng và tổ chức cuộc họp góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về “Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận, xếp hạng địa phương đạt chuẩn và biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật”.

Đọc thêm