Người đủ tiêu chuẩn có thể làm cộng tác viên phiên dịch cho nhiều tổ chức hành nghề công chứng

(PLO) - Ngày 12/5/2016, Báo Pháp Luật Việt Nam có đăng bài “Công chứng viên còn “mắc” trong chứng thực bản sao” phản ánh một số vướng mắc xung quanh thực hiện Luật Công chứng. Ngày 7/6/2016 Cục Bổ trợ tư pháp đã có văn bản gửi Báo Pháp Luật Việt Nam xung quanh bài báo này.
Người đủ tiêu chuẩn có thể làm cộng tác viên phiên dịch cho nhiều tổ chức hành nghề công chứng

Công văn do Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến ký nêu rõ: thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc về nghiên cứu, xử lý phản ánh của Báo Pháp Luật Việt Nam, Cục Bổ trợ tư pháp đã nghiên cứu, báo cáo Thứ trưởng về nội dung phản ánh của Báo. Trên cơ sở chỉ đạo của Thứ trưởng, Cục Bổ trợ thông tin lại như sau:

Về chứng thực bản sao từ bản chính: Nghị định số 23/2015 ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch đã quy định quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu chứng thực: Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản mà mình yêu cầu chứng thực (khoản 2 Điều 8).

Liên quan đến việc chứng thực bản sao từ bản chính đối với sổ hộ khẩu, hộ chiếu thì tại Điều 7 Thông tư số 20/TT- BTP ngày 29/12/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/CP đã hướng dẫn việc sao, chụp từ bản chính để chứng thực bản sao từ bản chính như sau: Bản sao, chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực phải có đầy đủ các trang đã ghi thông tin của bản chính.

Ví dụ: Khi yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính sổ hộ khẩu thì phải chụp đầy đủ trang bìa và các trang của sổ đã ghi thông tin liên quan đến các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu. Như vậy, khi chứng thực bản sao từ bản chính đối với sổ hộ khẩu, hộ chiếu phải thực hiện sao, chụp tất cả các trang có ghi thông tin của sổ hộ khẩu, hộ chiếu đó.

Về cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Công chứng thì việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.

Thông tư số 06/2015/TT- BTP ngày 15/6/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng có quy định về việc cộng tác viên phiên dịch ký kết hợp đồng cộng tác với tổ chức hành nghề công chứng, chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện, có các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật (Điều 21).

Căn cứ các quy định nêu trên thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng bản dịch do cộng tác viên phiên dịch của tổ chức mình dịch.

Tuy nhiên, pháp luật không cấm một người làm cộng tác viên phiên dịch cho nhiều tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, một người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Công chứng thì có thể ký hợp đồng làm cộng tác viên phiên dịch cho nhiều tổ chức hành nghề công chứng.

Đọc thêm